(HNM) - Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Người từng nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; phải lấy dân làm gốc, dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng.
Trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tinh thần tự phấn đấu của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, công việc cách mạng ngày càng nhiều, khoa học, kỹ thuật ngày càng tiến bộ, người cán bộ không thể lãnh đạo chung chung, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ mà còn phải có tri thức, chuyên môn nghiệp vụ. Chính vì thế mà Bác thường khuyên cán bộ phải luôn luôn học tập, luôn luôn cầu tiến bộ. Một trong những việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm là rèn luyện đội ngũ cán bộ có tác phong gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân. Người yêu cầu cán bộ, từ trên đến dưới phải có phong cách công tác sâu sát, tỉ mỉ, thiết thực, gần dân, hiểu dân để "việc gì hại cho dân phải hết sức tránh, việc gì lợi cho dân phải gắng sức làm".
Ảnh: Bảo Lâm |
Để thực hiện tốt công tác cán bộ, theo Người, trước tiên là phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Hiểu đúng cán bộ là nhìn nhận cán bộ một cách toàn diện. Có hiểu đúng cán bộ mới sử dụng và đề bạt đúng người, giao đúng việc. Tiếp đến là phải khéo dùng cán bộ. Cán bộ ai cũng có cái hay, cái dở, khéo dùng tức là bố trí, sắp xếp dùng chỗ hay của người và giúp người ta sửa chữa chỗ dở. Bác từng nói: Dụng nhân như dụng mộc. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được... Vấn đề quan trọng nữa trong công tác cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng là "cầu người hiền tài" và "có gan cất nhắc cán bộ". Bác là tấm gương tiêu biểu nhất về trọng dụng nhân tài. Thời kỳ lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng dụng được rất nhiều nhân sĩ, trí thức, quan chức trong chế độ cũ tham gia công việc của đất nước và đi theo kháng chiến. Với những chính sách và sự quan tâm của Người đối với cán bộ và nhân tài mà đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển, nhân tài nảy nở như hoa mùa xuân.
Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cách mạng ở từng thời kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài là "công việc gốc" của Đảng. Trong tiến trình đổi mới, công tác này đã có nhiều chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Chế độ, chính sách chưa thu hút được người tài giỏi. Nhiều chủ trương để thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng không khả thi và khó thực hiện, thậm chí bị bóp méo, biến dạng... Nhân tài, cán bộ giỏi ở nước ta không hiếm. Vấn đề là phải biết cách chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ cho đúng. Các cấp ủy và lãnh đạo các ngành cần thật sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng và tấm gương của Bác đối với công tác cán bộ. Cần phải thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đảng lãnh đạo bằng nêu gương và vì dân
Bài học lấy dân làm gốc của Đảng là sự tổng kết thực tiễn vô cùng sâu sắc trong lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là nguyên nhân, động lực làm nên mọi thắng lợi. Chính vì thế mà, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra mục tiêu hàng đầu là dân giàu, nước mạnh. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, mà mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu đó, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng tác phong gần dân, nêu cao đạo đức vì dân để mọi chủ trương chính sách đều phải từ nhân dân và trở về với nhân dân. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, cán bộ đảng viên của Đảng thật sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, thu hút trí tuệ của toàn xã hội, sáng kiến, nguyện vọng của toàn dân để xây dựng và thực thi đường lối, chính sách, pháp luật cho tốt. Các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị phải chăm lo chất lượng cuộc sống của người dân, làm tốt công tác dân vận để đoàn kết mọi lực lượng nhân dân, tổ chức nhân dân thực hiện sáng tạo nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh phải dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng như, phải thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa khuyết điểm, sai lầm là cách tốt nhất chống thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, công chức và trong tổ chức, bộ máy; loại bỏ những phần tử "tham quan ô lại" làm ô danh Đảng. Mục đích của chỉnh đốn lại Đảng là làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Theo đó, người cán bộ, đảng viên cần thật sự nêu gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thật sự nêu gương tận tụy suốt đời phục vụ nhân dân theo gương Bác Hồ... Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Mùa xuân này, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng tiếp tục có thêm nhiều khởi sắc, tạo nên những luồng sinh khí mới, khơi dậy không khí dân chủ trong Đảng và xã hội, phát huy sức dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tính chủ động, tích cực của mọi thành viên trong các cộng đồng xã hội. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đã và đang được đẩy mạnh có tác dụng răn đe, hạn chế tiêu cực, thoái hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, có ý nghĩa thực tiễn trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, được nhân lên bởi sức mạnh toàn dân đoàn kết. Xuân này, mở đầu năm thứ 28 công cuộc đổi mới với những thời cơ và thách thức to lớn đối với Đảng và nhân dân ta. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với truyền thống và bản lĩnh của Đảng, với sức mạnh đoàn kết của Đảng và nhân dân làm cho Đảng ta mãi mãi thanh xuân để lãnh đạo nhân dân làm nên những điều kỳ diệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.