(HNM) - Hôm nay 8-2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Đinh Dậu) là ngày các gia đình Việt Nam làm lễ tiễn ông Công - ông Táo theo phong tục cổ truyền, cùng nhìn lại một năm đã qua đồng thời gửi gắm niềm tin về năm mới an lành sắp tới.
Gìn giữ, tôn vinh văn hóa truyền thống
Với hơn 52 năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt, Giáo sư Lê Văn Lan chiêm nghiệm: Tục cúng Táo quân (hay theo cách dân gian thường gọi là ông Công - ông Táo) vào ngày 23 tháng Chạp có hai lớp ý nghĩa. Trước hết, nghi lễ này là nhằm cầu cho gia đình no đủ, sung túc với biểu tượng trung tâm là bếp lửa cùng câu chuyện truyền thuyết "hai ông một bà" mà dân gian sáng tạo. Thứ hai là ý nghĩa thờ “thần bếp”, người chuyên cai quản việc bếp núc.
Theo dân gian, cứ đến ngày này hằng năm, Thần Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Thể hiện sự trân trọng sự kiện này, nhà nhà đều làm lễ cúng với cơm canh tươm tất và không thể thiếu được tục phóng sinh cá chép với ngụ ý cá chép đưa Táo quân về trời.
Đốt vàng mã đúng nơi quy định là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Ảnh: Linh Ngọc |
Dù với ý nghĩa nào, tục cúng ông Công - ông Táo cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống, gắn bó nhiều đời của người dân Việt, luôn cần được gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, do lối tư duy lệch lạc, cách hành xử tùy tiện… mà đôi lúc, đôi chỗ, nét đẹp văn hóa này bị biến tướng. Thực tế vẫn còn không ít gia đình quan niệm “trần sao âm vậy”, cố công sắm sửa thật nhiều, tổ chức cúng lễ thật lớn, sử dụng những vật phẩm xa lạ với phong tục cúng tiễn Táo quân, như: Đồ mã nhà lầu, xe hơi, máy bay, điện thoại…; đốt, đổ vàng mã bừa bãi… gây phản cảm và làm xấu phong tục tốt đẹp của dân tộc. Những việc làm này cần được nhắc nhở, vận động thường xuyên.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Lễ tiễn ông Công - ông Táo về trời nên tùy vào hoàn cảnh gia đình, gọi là tùy duyên, không nên quá câu nệ, cầu kỳ, lãng phí. Có điều kiện thì làm mâm cơm canh (cỗ mặn), còn không thì thành tâm cúng hoa quả (cỗ chay) đều quý.
Với tục đốt vàng mã, nên "tá giả thành chân", chỉ đốt tượng trưng. Theo truyền thống, người dân thả cá chép, phóng sinh lấy phúc cho gia đình. Hành động này là nét đẹp trong văn hóa đạo Phật nhằm phát tâm từ bi cho muôn loài, muôn vật. Khi thực hiện nghi lễ phóng sinh cũng cần tuân thủ nếp văn hóa, không thực hành một cách tùy tiện và nhất là không được xả rác bừa bãi, làm xấu đi phong tục đẹp.
Lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Năm nay, Tết ông Công - ông Táo diễn ra trong tiết trời khô ráo và không quá lạnh nên không khí ngày lễ mở đầu cho dịp Tết cổ truyền của dân tộc dường như cũng hồ hởi và nhộn nhịp hơn. Từ nhiều ngày trước, các địa điểm bán đồ phục vụ ngày Tết ông Công - ông Táo, như: Phố Hàng Mã, chợ Cầu Giấy, chợ Nguyễn Cao… đã tấp nập người mua, bán. Các sản phẩm đồ mã truyền thống như bộ áo mũ ông Công - ông Táo, tiền vàng… vẫn là mặt hàng chủ lực của nhiều cửa hàng. Bên cạnh tiền vàng mã, bộ đồ lễ… thì cá chép sống cũng được tìm mua nhiều. Giá mỗi bộ cá chép (3 con) dao động từ 25 đến 40 nghìn đồng, tùy kích cỡ. Các mặt hàng khác, như cau, hoa quả, thực phẩm tươi sống… giá cũng tăng nhẹ.
Sinh viên tình nguyện gom túi ni lông của người dân thả cá dịp Tết ông Công, ông Táo. Ảnh: Thanh Hà |
Từ ngày 20 tháng Chạp (5-2), nhiều gia đình đã bắt đầu làm lễ tiễn ông Công - ông Táo, tiến hành tục phóng sinh cá chép tại nhiều sông, hồ trên địa bàn thành phố. Nhằm hạn chế tình trạng người dân thả cá, tro hóa vàng, túi ni lông và đồ khó phân hủy thải ra môi trường, các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân. Hệ thống đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn thường xuyên đưa tin, bài nói về ý nghĩa của ngày Tết ông Công - ông Táo kết hợp với việc vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cũng trong dịp này, nhiều nhóm dự án xã hội như: Đường Táo Quân, Cá Chép, Hội yêu rác… triển khai chiến dịch vận động người dân “thả cá đừng thả túi ni lông”. Tại các điểm thu hút đông người tới phóng sinh cá chép, như: Cầu Long Biên, hai bên cầu Chương Dương, bãi giữa sông Hồng, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm…, nhóm bạn trẻ cầm tấm biển thiết kế ngộ nghĩnh với những khẩu hiệu "Thả cá đừng thả túi ni lông", "Táo quân ghét rác"… để vận động người dân không thả rác xuống sông hồ, gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, ngày 4-2, các nhóm đã phối hợp tổ chức buổi đạp xe tuyên truyền và du ca phố cổ nhằm lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp gìn giữ môi trường, bảo tồn phong tục tốt đẹp của lễ cúng ông Công - ông Táo trong cộng đồng.
Em Phạm Minh Vương, học sinh lớp 12, Trường THPT Đống Đa, thành viên Hội yêu rác, chia sẻ: Đây là hoạt động thường niên của nhóm nhằm khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường sống gắn với gìn giữ phong tục tốt đẹp trong ngày Tết ông Công - ông Táo. Không chỉ vận động, các tình nguyện viên còn hỗ trợ người dân thả cá, thu gom túi ni lông, tro vàng hương… đem về nơi tập kết, tiêu hủy.
Tuy nhiên, để những nét đẹp này lan rộng, trở thành thói quen của cộng đồng thì vẫn cần một quá trình tuyên truyền bền bỉ, thậm chí cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những trường hợp cố tình lợi dụng tục ông Công - ông Táo để xả rác bừa bãi ra môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.