(HNMCT) - Từ miền Tây nước Úc xa xôi, nhà giáo, nhà thơ Võ Thị Như Mai vừa có chuyến trở về quê nhà và ra mắt tập thơ “Để cho ngày ngắn” (NXB Thuận Hóa). Hơn 200 trang sách với 144 bài thơ là tiếng lòng tha thiết của Như Mai về tình yêu lứa đôi, nỗi nhớ thương quê nhà da diết, những rung cảm trước cảnh sắc thiên nhiên, sự trăn trở, thương cảm trước mất mát do chiến tranh, dịch bệnh và cả những chiêm nghiệm của chị về cuộc đời... Với giọng thơ nhẹ nhàng như lời thủ thỉ tâm tình mà chứa chan cảm xúc, “Để cho ngày ngắn” để lại những rung cảm sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Người đọc dễ nhận ra ở Như Mai một trái tim luôn khao khát yêu và được yêu: “Thương bao nhiêu là nhiều/ Hướng về nhau nghìn lần vẫn ít” ("Chiều suối nhớ"), hay “Em sống trọn một kiếp/ Để yêu anh mà thôi” ("Giản đơn"). Tình yêu da diết mà cuồng say: “Em lặn vào đáy đại dương lồng lộng/ Có chết đuối nửa đời cũng cuồn cuộn trong anh” ("Cũng cuồn cuộn trong anh"); “Ơi người bỏ bùa sông mê/ Ta tắm một lần đắm đuối/ Trầm mình qua nghìn con suối/ Cũng gột không hết tình si ("Chào tháng năm"). Tình yêu trong thơ Như Mai nồng nàn mà đẹp đẽ, có khi miên man như ngọn gió thu xa, có lúc bàng bạc như ánh trăng khuya loang loáng bên khung cửa, ngay cả một thảm hoa dại ven đường cũng ngan ngát hương yêu.
Bao trùm lên tập thơ còn là nỗi lòng của người con xa quê, lúc nào cũng đau đáu vọng cố hương. Người đọc thổn thức theo tiếng lòng của tác giả: “Một ngày đi nửa đời xa quê hương/ Cả một trời nhớ thương quay quắt/ Anh khêu bếp lửa lòng/ Hạt vui buồn em gieo trồng/ Rơm rạ bén duyên” ("Vẹn nguyên chùm thạch thảo"). Trong bài thơ “Niềm thương nhớ”, tác giả rất thành thật với lòng mình khi thốt lên: “Nhớ quê là điều rất thật” khiến người đọc rưng rưng theo chị. Dường như những câu thơ viết về quê hương của Như Mai bao giờ cũng nhẹ nhàng mà ngọt lịm, lại thoảng vương nỗi buồn da diết chơi vơi: “Em cầm sợi nhớ mỏng mảnh trên tay/ Cánh diều thong dong thảnh thơi theo gió/ Chạm vào ráng chiều hoàng hôn rực đỏ/ Làn khói như tơ từ mái ngói quê nhà” ("Nhung nhớ chực bung").
Lòng nhớ quê, nhớ mẹ dường như chưa bao giờ nguôi trong chị. Chẳng biết bầu trời xanh nơi đây có giống bầu trời xanh quê nhà, một ánh trăng đêm xứ người có như ánh trăng quê năm cũ, mà ngọn gió lành nơi này như mang theo cả mùi rơm rạ đồng chiều xa ngái, mùi khói bếp cay nồng, mùi cơm sôi thổn thức, tất cả như cứa vào lòng buốt xót để rồi giữa đêm bàng hoàng thảng thốt: “Nửa đêm chợt tỉnh giấc/ Để nhớ một cánh đồng/ Trăng luồn qua song cửa/ Mơ dòng sông mênh mông (...) Nửa đêm chợt tỉnh giấc/ Thương và nhớ quê hương" ("Một bài ca").
Có rất nhiều hình ảnh được Như Mai lặp đi lặp lại trong thơ mình, đó là ngọn gió, là ánh trăng, là dòng sông, là hoa lá quanh mình... Nhưng chẳng hiểu sao tiếng chim rúc ra rúc rích trong thơ chị lại khiến tôi nhớ mãi. Đó có thể là tiếng chim quyên lảnh lót, tiếng họa mi trong vắt, tiếng chim chích ríu ran, tiếng sơn ca ngọt lịm. Có phải lòng người dù trải qua bao dâu bể, mất mát chia ly, thì vẫn vẹn nguyên một trái tim, một tấm lòng trong vắt như tiếng chim trời thánh thót mỗi ban mai, an yên và vui vẻ. Và tôi đã nghĩ, lòng Như Mai hẳn như giọt nắng hồng, cứ trong veo và long lanh mãi, với đời, với thơ.
Gấp trang sách, chẳng hiểu sao lòng cứ rung động mãi trước mấy câu thơ: “Anh có thể dõi theo em mãi không/ Sẽ còn những mùa thu sau nữa/ Rất nhiều người ra đi không ai nhớ/ Ngày trở về tóc đã trắng như bông” ("Một ngày trời trở lạnh"). Có đôi khi, đọc một câu thơ đẹp cũng khiến lòng rưng rưng khóc. Xúc cảm ấy, tôi đã gặp thật nhiều khi chạm vào “Để cho ngày ngắn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.