Trên đường Hoàng Minh Giám (quận Thanh Xuân) sáng 4-9 mới đây, một cây đa có đường kính khoảng 50cm bất ngờ bật gốc, đổ chắn ngang đường. Một xe ô tô đỗ dưới đường bị cây đổ đè lên hư hỏng.
Rất may, đang kỳ nghỉ lễ nên đường vắng, cây đổ không gây thiệt hại về người. Lực lượng chức năng có mặt ngay sau đó để phân luồng giao thông, cưa cắt cây, thu dọn hiện trường. Qua quan sát, phần rễ cây nhỏ và ngắn. Thời điểm cây đổ có mưa nhỏ, không có gió.
Thực ra, sự cố cây xanh gãy, đổ như trên khó có thể tránh được hoàn toàn. Bởi trên địa bàn thành phố, cây xanh có nhiều chủng loại khác nhau, có loại phù hợp với đô thị (cho bóng mát, rễ ăn sâu, ít gãy, đổ), có loại được trồng đồng bộ dọc tuyến đường, phố, song cũng có không ít loại cây không phù hợp với đô thị, người dân trồng tự phát. Có cây mới được trồng, đang sinh trưởng tốt, nhưng cũng có không ít cây đã già cỗi, đặc biệt là sâu, mục trong thân, rễ mà mắt thường không quan sát được. Cây đổ rồi mới biết rễ đã hỏng, thân đã ruỗng. Đặc điểm của đô thị với nhiều công trình ngầm, nổi cũng tác động đến sự sinh trưởng của cây và có cả trường hợp người ta tìm cách triệt hạ cây xanh vì mục đích riêng.
Công bằng mà nói những năm qua, tỷ lệ cây xanh gãy, đổ ít hẳn nhờ nhiều giải pháp chăm sóc được thành phố áp dụng, như đánh số quản lý, sử dụng thiết bị hiện đại cắt tỉa cây thường xuyên thay vì tập trung vào mùa mưa, bão, trồng thay thế kịp thời cây già cỗi, hư hỏng…
Đặc biệt, thành phố đã trồng thêm nhiều cây xanh, thiết kế tuyến phố không chỉ có cây bóng mát mà còn cả cây trang trí nhiều tầng, giúp cải thiện vi khí hậu. Tuy nhiên, chăm sóc cây xanh vẫn là vấn đề lớn và khó, nhất là với đô thị, nơi mà cây xanh luôn có vai trò quan trọng và nhạy cảm.
Vậy, phải làm gì để có hệ thống cây xanh đô thị xanh tốt, ngăn ngừa nguy cơ cây gãy, đổ gây tai nạn cho người và phương tiện? Trước hết, với mỗi tuyến phố mới nên thiết kế đồng bộ hệ thống cây xanh. Cây xanh nên thống nhất chủng loại, tránh lai tạp, để bảo đảm mỹ quan. Ngoài cây bóng mát nên có thêm cây hoa, cây trang trí nhiều tầng. Đây là mô hình đẹp, hiệu quả trong cả việc chống lấn chiếm hè, đường để kinh doanh, buôn bán.
Đối với hệ thống cây hiện có, nên có cuộc tổng điều tra, rà soát, ngoài cây già cỗi, hư hỏng có nguy cơ mất an toàn cần thiết lập danh sách cây không phù hợp với đô thị để đề xuất thay thế. Vì cây xanh là vấn đề nhạy cảm nên cơ quan chức năng cần mời chuyên gia và người dân cùng tham gia; chuẩn bị tài liệu khoa học và công bố rộng rãi; quá trình rà soát, thay thế cây luôn công khai và minh bạch để bảo đảm có được sự đồng thuận trong xã hội.
Không chỉ thay thế cây xanh hư hỏng, thành phố nên tiếp tục trồng mới, trồng thêm cây xanh trên dải phân cách, xung quanh các hồ nước, trên các khoảng đất trống, thay các mảng bê tông khô cứng bằng mảng xanh.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục duy trì việc cắt tỉa, chăm sóc cây xanh thường xuyên như đã làm hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời dành nguồn kinh phí thích đáng đầu tư thiết bị quản lý, chăm sóc cây xanh tiên tiến, thiết bị phát hiện sớm cây sâu mục, hư hỏng để cắt sửa, thay thế kịp thời, hạn chế thấp nhất cây gãy, đổ; học tập, áp dụng phương pháp chăm sóc cây xanh hiện đại trên thế giới.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ cây xanh, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm trường hợp làm hư hại cây xanh, đặc biệt là cố tình triệt hạ cây xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.