Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề cao cảnh giác

Thanh Hà| 02/04/2022 08:05

(HNM) - Công nghệ ngày càng phát triển đem lại vô vàn lợi ích cho cuộc sống con người, song mặt trái cũng dần bộc lộ.

Nếu như trước đây, kẻ xấu sử dụng số điện thoại cụ thể (có thể không chính chủ…) để nhắn tin, gọi điện lừa đảo, thì nay chúng có thể thiết lập trạm thu phát sóng giả để phát tán tin nhắn giả mạo, lừa đảo người dùng di động, như thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã phải cảnh báo. Thậm chí, hình thức này còn được dùng để phát tán tin nhắn chống phá Nhà nước, gây bất ổn an ninh, chính trị.

Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý, khởi tố nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên.

Đáng chú ý, phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại đã bị lợi dụng để phát tán lượng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo lớn, trung bình 80.000 tin nhắn/ngày/thiết bị; có khả năng giả mạo tin nhắn từ cơ quan nhà nước, ngân hàng, giả mạo thuê bao di động của tổ chức, cá nhân… nên nhiều người bị mắc bẫy. Mặt khác, việc thiết lập trạm thu phát sóng giả mạo còn gây can nhiễu tần số vô tuyến điện, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông…

Những hành vi vi phạm của các đối tượng xấu đã, đang được cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Các biện pháp kỹ thuật cũng được áp dụng để phát hiện, ngăn chặn. Song từ thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất là người dùng điện thoại di động, sử dụng mạng internet luôn phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác, thông tin ngay cho cơ quan chức năng khi nhận được các tin nhắn đáng ngờ (như yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, có các đường liên kết (link), tin nhắn từ số điện thoại của người thân hỏi vay tiền…), không thực hiện theo yêu cầu của các tin nhắn này hoặc ấn vào các link trên tin nhắn để đề phòng bị kẻ xấu lừa đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề cao cảnh giác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.