(HNM) - Hiện ngành Y tế nước ta có khoảng 500 nghìn cán bộ, y, bác sĩ. Về cơ bản, đội ngũ này có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, luôn thể hiện được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng, hết lòng vì sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Nổi bật là hơn 2 năm qua, đội ngũ y, bác sĩ đã không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch Covid-19, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh. Những “chiến sĩ áo trắng” đã nêu cao tấm gương hy sinh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đối diện với hiểm nguy, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Điều đáng quý là trong lúc có muôn vàn khó khăn, cơ chế, chính sách cho ngành Y tế chưa theo kịp với thực tiễn khiến đời sống, thu nhập của các y, bác sĩ bị tác động ít nhiều, nhưng trên hết, họ đã vượt qua và hoàn thành sứ mệnh đặc biệt, góp phần vào thành công chung của cả nước, tiếp tục thắp sáng lên tinh thần của người “chiến sĩ áo trắng” giỏi về chuyên môn và có tâm, có đức.
Không thể kể hết những công lao, đóng góp của đội ngũ thầy thuốc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đi đôi với ghi nhận những đóng góp đó, chúng ta cần sẻ chia, thấu hiểu và quan tâm đến việc đãi ngộ một cách xứng đáng với công sức của đội ngũ y, bác sĩ. Phát biểu tại hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, do Bộ Y tế tổ chức ngày 21-8 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn nhìn nhận: “Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn”. Do đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” như Trung ương và Bộ Chính trị đã chỉ đạo.
Trên tinh thần này, các cấp, ngành chức năng cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế, theo hướng bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Trước mắt, cần nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế; nghiên cứu các chính sách ưu đãi đặc thù ngành, cơ chế hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, chính sách về công nhận liệt sĩ với cán bộ y tế hy sinh khi làm nhiệm vụ có tính chất cấp bách…
Cùng với đó, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Y tế và các địa phương cần thường xuyên quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng. Phải kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá để biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Một giải pháp quan trọng nữa là bảo đảm đầy đủ điều kiện làm việc, công tác cho đội ngũ y, bác sĩ. Trong đó cần quan tâm phát triển, hoàn thiện hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ tiên tiến.
Với đội ngũ y, bác sĩ, trong khó khăn, thử thách càng phải phát huy tinh thần đoàn kết, luôn chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân; không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường y đức, làm giàu y lý, nâng cao y thuật, làm việc thực chất, hiệu quả, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.