Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để cán bộ từ chức là ‘’điều bình thường’’

Phúc Lợi| 05/12/2022 06:19

(HNM) - Từ chức luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ, quyền lực và lợi ích. Cũng vì thế mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cho vấn đề nước ta đã có “văn hóa từ chức” hay chưa, dù đây là phạm trù văn hóa chính trị, gắn với trách nhiệm thực thi công vụ của mỗi công chức tại các quốc gia phát triển. “Văn hóa từ chức” thể hiện lòng tự trọng, trách nhiệm của người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo đối với sự nghiệp chung.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, giai đoạn 2009-2019, cả nước có 2.268 trường hợp từ chức, chủ yếu ở các địa phương và lý do thực tế để xin từ chức chủ yếu là lý do khách quan. Số cán bộ từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực, sức khỏe hay không còn uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao chưa nhiều… Thậm chí gần đây, có cán bộ vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nghiêm khắc lại xin “từ chức” trong khi xét về lỗi vi phạm thì đủ điều kiện “cách chức”, cho thôi chức về mặt chính quyền. Điều đó cho thấy có những hạn chế, bất cập trong vấn đề chủ động từ chức của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao có khuyết điểm nhưng chưa đến mức vi phạm về hình sự.

Tại Hội nghị lần thứ sáu (khóa XIII) vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định để cán bộ diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TƯ, ngày 3-11-2021 “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” và Thông báo số 20-TB/TƯ, ngày 8-9-2022 “Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật”. Theo đó, căn cứ đề nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Trung ương đã thống nhất để Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương Huỳnh Tấn Việt thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Như vậy, việc tự nguyện từ chức không còn là việc hô hào mà đã được quy định rất cụ thể và lập tức được thực hiện nghiêm minh, đồng thời rất nhân văn. Thông qua đây, Đảng chứng minh với nhân dân rằng “Nói phải đi đôi với làm”, giúp hạn chế, khắc phục hiện tượng cán bộ bị xử lý kỷ luật xong vẫn tại vị hoặc được cất nhắc ở vị trí tương đương, thậm chí sau một thời gian lại được “nâng đỡ” lên vị trí cao hơn sẽ không còn. Điều đó phản ánh đúng quy luật “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ được Đảng ta quyết tâm thực hiện. Và từ sự e dè, thậm chí hiểu chưa đúng khi thực hiện, chắc chắn vấn đề cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao từ chức thời gian tới sẽ trở thành “chuyện bình thường”…

Tuy nhiên, để việc từ chức của cán bộ dần trở thành “văn hóa”, “chuyện bình thường”, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ về công tác cán bộ theo hướng cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành; giữa Trung ương với địa phương. Xây dựng hệ thống các văn bản quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với vị trí lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở để đánh giá, theo dõi và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Hướng tới xem xét vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng ở giữa nhiệm kỳ làm căn cứ để đánh giá cán bộ.

Khi thực hiện đặc biệt tuân thủ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, nhất là người đứng đầu, kết hợp pháp lý và đạo lý, kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Tuyệt đối không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Để làm tốt thì cần không ngừng đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo định kỳ và trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo hướng xuyên suốt, liên tục; gắn việc đánh giá tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc lợi dụng để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân.

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Cho nên, bất kỳ một ai đó không còn hoặc không thể xứng đáng với chức vụ được giao thì phải trả lại quyền lực đó cho Đảng, cho nhân dân và đây là điều hết sức bình thường trong lộ trình xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để cán bộ từ chức là ‘’điều bình thường’’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.