Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT VN:Tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi (bài cuối)

Minh Khang| 01/10/2013 06:41

(HNM) - Một trong những vấn đề bức xúc của giáo dục phổ thông nước ta là phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sao cho gọn nhẹ, hiệu quả, phản ánh trung thực kết quả học tập của HS.

Bài cuối: Kiểm tra, đánh giá theo hướng dạy thực, học thực

(HNM) - Một trong những vấn đề bức xúc của giáo dục phổ thông nước ta là phải đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sao cho gọn nhẹ, hiệu quả, phản ánh trung thực kết quả học tập của HS.

Việc bỏ hay không bỏ kỳ thi sau THPT là đề tài đã được bàn thảo với nhiều lý lẽ, song có một điều chắc chắn rằng, chất lượng giáo dục chỉ có thể chuyển biến trên cơ sở đổi mới đồng bộ cách thức kiểm tra, đánh giá trong cả quá trình dạy học, ở tất cả các cấp học. Đây được coi là khâu đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước nhà.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ có tác động tới người học mà còn là dữ liệu để các nhà quản lý kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Nhật Nam


Chưa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Những ngày qua, đề tài "có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT" đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia, thầy cô giáo và dư luận cả nước. Để làm giảm bớt sức "nóng" của chủ đề này, tạo sự yên tâm cho các sĩ tử lớp 12, trước thềm năm học mới vừa qua, Bộ GD-ĐT đã thông báo ý kiến chính thức về thông tin mà dư luận quan tâm. Tại buổi gặp gỡ với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kỳ thi tốt nghiệp sau 12 năm học phổ thông trong bối cảnh hiện nay. Lý do bởi kết quả của kỳ thi không chỉ có tác động tới người học, mà còn là dữ liệu để các nhà quản lý kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, triển khai quá trình dạy - học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, việc tổ chức kỳ thi chưa được như mong muốn, vì vậy cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh nhất định.

Thực tế ở các nhà trường hiện nay cũng cho thấy sự cần thiết của việc duy trì kỳ thi này. Quan niệm học để thi đã trở nên phổ biến không chỉ với người học, mà còn cả với người dạy. Những năm trước đây, để được công nhận hoàn thành chương trình mỗi cấp học, HS đều phải tham dự một kỳ thi tốt nghiệp. Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đã kéo theo không ít hệ lụy, khiến dư luận lo lắng.

Ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, quy trình dạy học bắt buộc phải có kiểm tra, đánh giá, nếu không có kiểm tra, đánh giá thì cấp quản lý không thể nắm được khả năng tiếp nhận và truyền đạt kiến thức của người học - người dạy để kịp thời có các giải pháp can thiệp hữu hiệu nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá như thế nào để đạt mục tiêu dạy thật, học thật chứ không phải theo cách đối phó.

Từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, ban soạn thảo đề án xác định việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH phải gắn bó chặt chẽ với đặc điểm của chương trình - sách giáo khoa. Vì thế, đề thi sẽ không chỉ tập trung vào việc đánh giá HS biết cái gì mà quan trọng hơn là đánh giá HS làm được gì từ những điều đã biết, tức là tập trung đánh giá năng lực HS. Việc điều chỉnh những yêu cầu của đề thi, kiểm tra sẽ là có tác động tích cực và là định hướng cho quá trình dạy - học tại nhà trường. Các trường ĐH sẽ tuyển sinh theo hướng căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một số môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành/trường.

Coi trọng đánh giá cả quá trình

Thực tế cho thấy, để việc kiểm tra, đánh giá có tác động, điều chỉnh quá trình dạy - học thực chất thì phải kết hợp đồng thời nhiều hình thức đánh giá, đơn cử như đánh giá của thầy và tự đánh giá của trò; đánh giá của nhà trường kết hợp với ý kiến từ gia đình, xã hội… Trong đó, việc đánh giá HS qua các bài thi cuối năm, cuối cấp cần được kết hợp với kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của HS. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được xác định trong đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước nhà, nhằm đạt mục tiêu hình thành một nền giáo dục thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, tại các nhà trường hiện nay, khâu kiểm tra, đánh giá thường xuyên chưa được coi trọng, không đánh giá được thực chất chất lượng giáo dục. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, chỉ có đánh giá đúng mới tạo ra động lực cho người học và người dạy. Việc kiểm tra, đánh giá, vì thế, cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ ngay từ mỗi bài kiểm tra hằng ngày trên lớp chứ không phải đợi đến kỳ kiểm tra cuối năm, cuối cấp mới cấp tốc ôn luyện. Hiện nay việc đánh giá ở nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức chứ không mang ý nghĩa khoa học và không đạt được mục tiêu là tạo động lực cho người học phải học giỏi và người dạy phải dạy tốt hơn.

Ý kiến của các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp còn cho rằng, để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với mục tiêu thực chất thì phải kiên quyết loại bỏ bệnh thành tích. Việc đặt mục tiêu tỷ lệ phần trăm HS đỗ tốt nghiệp THPT như ở một số nơi khiến cho thầy, trò thêm căng thẳng, đôi khi tìm cách dạy - học đối phó, thậm chí cố gắng tô vẽ để có được tỷ lệ đẹp. Nếu không vì thành tích, các địa phương sẽ bớt "trông trước, nhìn sau, ngó ra xung quanh" xem "hàng xóm" thế nào để xoay xở cho tương xứng. Vì vậy, quá trình triển khai đề án cần quan tâm làm rõ trách nhiệm và vai trò chủ động của cả người dạy, người học trong kiểm tra, đánh giá, chứ không thể theo cách như hiện nay - coi chất lượng giáo dục như là của ai đó, là việc của ai đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT VN:Tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi (bài cuối)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.