Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), diễn ra ngày 23-4, tại trụ sở Chính phủ và kết nối tới 63 điểm cầu trên toàn quốc.
Phát biểu tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 896 đánh giá cao đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện đề án trên nhiều phương diện. Các nhiệm vụ của Đề án 896 đến nay đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
“Quá trình triển khai thực hiện đề án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số”, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, cần sớm khắc phục một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề có yếu tố chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 896. Điển hình như việc chưa có cơ chế thống nhất, hợp lý xử lý đối với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch như sai thông tin giữa chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân với hộ khẩu, hoặc trong các giấy tờ này chỉ có thông tin về năm sinh mà không có thông tin về ngày, tháng sinh.
“Việc này dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó bảo đảm chất lượng đăng ký hộ tịch”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Chỉ rõ năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tiếp tục đưa Đề án 896 vào thực tiễn để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số điểm trọng tâm.
Trong đó, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất; an ninh, an toàn dữ liệu.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số; hoàn thành, mở rộng việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính…
“Các bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục tích cực "đồng hành" cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai hai dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng chính phủ điện tử”, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, ngày 6-8-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Đề án 896 ra đời đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế.
Đề án giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án 896 đã đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là những nội dung của Đề án 896 là cơ sở để Chính phủ, Quốc hội xem xét trong quá trình thông qua Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (ngày 11-3-2020) và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (ngày 3-9-2020), Bộ Công an đã tập trung, chỉ đạo thực hiện với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian phải hoàn thành. Đến nay, về cơ bản, nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân đã được thực hiện theo đúng tiến độ.
Ngày 25-2-2021, Chính phủ, Bộ Công an đã bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Bộ Công an đang chỉ đạo hoàn thiện, bổ sung, cập nhật dữ liệu để hệ thống chính thức đi vào hoạt động; đồng thời với việc triển khai quyết liệt chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân hoàn thành trước ngày 1-7-2021, cùng với thời điểm Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Đến nay, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục hành chính, chiếm tỷ lệ 58,2%.
Chính phủ đã thông qua 19 nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trên các lĩnh vực quản lý nhà nước…
Bên cạnh những kết quả quan trọng, nổi bật, Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án cho biết vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Đáng chú ý là việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa đồng bộ, thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc khai thác, kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chưa có sự chuyển động đồng bộ. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng, nhưng nhiều bộ, ngành, UBND địa phương chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả...
Từ đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt và hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (theo 19 nghị quyết Chính phủ đã ban hành).
Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác, sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.