Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để ẩm thực Hà Nội vươn tầm quốc tế

Bảo Khánh| 18/04/2019 11:01

(HNMCT) - Ẩm thực Hà Nội hội tụ trong mình đủ các yếu tố để trở thành một loại hình di sản văn hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành Du lịch và hội nhập với thế giới. Nhưng để ẩm thực Thủ đô có thể vươn tầm quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm.


Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam:
Ẩm thực là niềm tự hào khác biệt của du lịch Việt Nam


Ẩm thực là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành như văn hóa, nông nghiệp, công thương, y tế, du lịch..., trong đó du lịch là ngành được thụ hưởng trực tiếp những giá trị của ẩm thực để phát triển và thu hút khách. Tài nguyên du lịch ẩm thực của chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, cần được khai thác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đây là loại hình du lịch nổi trội và khác biệt của Việt Nam, cần phải đưa vào Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới để từ đó có những chính sách phát triển hợp lý, đưa ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới. Những năm qua, việc quảng bá ẩm thực gắn với phát triển du lịch chưa được chú trọng đúng mức.

Vì thế, thời gian tới, ngành Du lịch sẽ tăng cường hơn nữa việc quảng bá xúc tiến ẩm thực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới. Đó là niềm tự hào khác biệt của du lịch Việt Nam nhằm tăng cường sức hấp dẫn cho các điểm đến.

Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội:
Ẩm thực hà Nội có thể “vươn ra biển lớn”


Thời gian qua chúng tôi đã rất kiên trì vận động, thuyết phục các nghệ nhân, các nhà hàng kinh doanh ẩm thực có uy tín tại Hà Nội tham gia các chương trình, hoạt động của thành phố nhằm quảng bá thương hiệu và các đặc sản nổi tiếng của Thủ đô như: Cà phê Giảng, bánh khúc cô Lan, phở Thìn, xôi Phú Thượng, bún thang Bà Ẩm, giò chả Tri Lễ (Thanh Oai)...

Sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, các nhà hàng đã đóng góp tích cực cho việc quảng bá thương hiệu ẩm thực Thủ đô, đặc biệt là tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai và Lễ hội Ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản diễn ra mới đây. Thông qua các sự kiện mang tầm quốc tế như vậy, ẩm thực Hà Nội đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế, mang lại những hy vọng cho sự thành công ở các sự kiện tương tự tiếp theo.

Đầu tháng 4 vừa qua, Hà Nội tiếp tục đưa đến cho các bạn bè quốc tế nhiều điều bất ngờ. Trong khuôn khổ Hội nghị phi tập trung Việt - Pháp lần thứ 11 tổ chức tại thành phố Toulouse (Pháp), Hà Nội đã mang đến một chương trình giới thiệu văn hóa - ẩm thực Thủ đô với những môn nghệ thuật dân gian và món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, khiến bạn bè quốc tế vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ nền văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Điều đó càng chứng minh rằng ẩm thực Hà Nội đủ sức “vươn ra biển lớn” và có thể trở thành một ngành công nghiệp thực thụ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Văn hóa và Du lịch Thủ đô trong thời gian tới.

Tiến sĩ Vũ Thế Long, Ủy viên BCH Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam:
Thế hệ trẻ sẽ là người đưa ẩm thực truyền thống ra thế giới


Ẩm thực tự thân nó đã là một nghệ thuật. Đã là nghệ thuật càng đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng. Từ thời cổ đại đến nay, ẩm thực vẫn luôn phát triển không ngừng trên nền tảng sáng tạo từ những yếu tố truyền thống. Chúng ta không nên gò ép việc bảo tồn ẩm thực truyền thống theo hướng không được thay đổi. Trước đây, nhà văn Nguyễn Tuân chỉ công nhận phở bò là phở Hà Nội. Ngoài ra, các thứ phở còn lại không được nhà văn coi là phở Hà Nội.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Hà Nội ngày nay có thêm nhiều dòng phở khác được người dân, du khách công nhận là phở truyền thống của Hà Nội. Bởi thế, theo tôi nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội có quyền sáng tạo, tiếp nhận những cái mới dựa trên nền tảng truyền thống là cốt lõi. Có như vậy chúng ta mới có thể nâng tầm, tạo điều kiện cho ẩm thực Hà Nội hội nhập với ẩm thực thế giới và ngày càng được nhiều người biết tới.

Muốn nâng tầm ẩm thực Hà Nội, trước hết chúng ta hãy quay về với việc giáo dục ẩm thực trong từng gia đình. Các phụ huynh nên tranh thủ những dịp giỗ tết, đám hỏi, đám cưới để làm những mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội xưa, đồng thời giải thích rõ cho con cháu biết về ý nghĩa của những món ăn, cách kết hợp các nguyên liệu, gia vị với nhau cũng như những yếu tố văn hóa ẩn sâu trong đó. Đấy là cách để thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu và có ý thức giữ gìn truyền thống - nền tảng vững chắc để bước vào tương lai.

Chính thế hệ trẻ chứ không phải ai khác sẽ là người đưa ẩm thực truyền thống ra thế giới. Và để không bị trộn lẫn văn hóa thì truyền thống chính là những “viên gạch nền” cho sự sáng tạo mà thế hệ trẻ cần phải có ý thức trân trọng, gìn giữ thì mới phát huy tốt được.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, làng xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ:
Tự hào, trân trọng và trách nhiệm hơn với nghề


Chúng tôi, những người đã và đang nắm giữ tri thức dân gian nghề nấu xôi của làng Phú Thượng (Tây Hồ) cảm thấy vô cùng tự hào vì được góp phần nhỏ bé vào sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Hà Nội. Trước đây, phần lớn người dân trong làng chỉ coi đây là một nghề kiếm sống mà không quan tâm nhiều đến những giá trị văn hóa của nghề. Nhưng từ khi được cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phổ biến, tuyên truyền về những giá trị quý báu của nghề, chúng tôi dần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Đặc biệt, gần đây, khi được tham gia các sự kiện ẩm thực lớn của thành phố và quốc tế chúng tôi càng cảm thấy tự hào, trân trọng và có ý thức trách nhiệm hơn trong việc truyền dạy cho thế hệ sau, để nghề này không bị mai một.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để ẩm thực Hà Nội vươn tầm quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.