(HNM) - Theo kết quả khảo sát gần đây thực hiện trên 21.690 thanh, thiếu niên Hà Nội, gần 20% số học sinh đang gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần.
Điều đáng lưu ý, sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là sự hiểu biết về các nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng và biểu hiện ban đầu cũng như cách chữa trị căn bệnh này còn rất hạn chế.
Rối nhiễu tâm trí cũng là hậu quả của chương trình đào tạo ở bậc học phổ thông quá nặng. Ảnh: Linh Tâm |
Áp lực từ xã hội và nhà trường
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết, trong quá khứ, người Việt rất coi trọng việc học. Học không chỉ để làm người, mà học còn để làm quan. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, tư tưởng này vẫn tồn tại và được phản ánh rất rõ qua các kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Hằng năm có khoảng 1,6 triệu thí sinh dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chỉ có 570.000. Chính điều này đã tạo ra một sức ép rất lớn đối với học sinh. Lo lắng cho số phận của mình, các em phải học nhồi nhét để chiếm cho được một chỗ ngồi ở giảng đường đại học. Điều tạo ra sức ép lớn đối với học sinh hiện nay là số đông các bậc cha mẹ vẫn quan niệm rằng, con đường duy nhất để lập nghiệp của thế hệ trẻ là vào đại học. Áp lực này chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến rối nhiễu tâm trí. Theo ông Trần Văn Vũ, Phó Trưởng khoa 3, BV Tâm thần trung ương I thì mỗi năm BV đón gần 4.000 bệnh nhân, trong đó 30% là HS, SV. Thời điểm bệnh nhân nhập viện đông nhất là sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học.
Rối nhiễu tâm lý cũng là hậu quả của chương trình đào tạo ở bậc phổ thông quá nặng. Nghiên cứu của TS Lã Thị Bưởi, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng cùng các cộng sự, chỉ ra rằng, tình trạng học thêm của trẻ em đang diễn ra tràn lan và rộng khắp cả nước. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả này cho thấy, gần 100% HS phải học thêm giờ, trong đó 17% HS phải học thêm trên 5h/ngày, 85% HS luôn căng thẳng tâm thần do áp lực của việc học tập, 63% HS luôn gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung quá lớn của các môn học. Đồng thời, phương pháp giảng dạy của giáo viên phổ thông hiện nay chủ yếu là giảng, đọc cho HS chép, HS chỉ cần học thuộc lòng. Chính cách dạy này khiến trẻ tiêu tốn quá nhiều quỹ thời gian vào việc học, không còn thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí và luôn ở trạng thái lo âu căng thẳng.
Gia đình không còn là điểm tựa
Phải nói rằng, mức sống của người dân Hà Nội trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Do vậy, người dân có điều kiện để chăm sóc, đầu tư cho con cái tốt hơn nhằm bảo đảm tương lai của con em mình, đồng thời có thêm điều kiện để thực hiện những kỳ vọng, ước mơ của họ và người có nhiệm vụ phải biến những ước mơ đó trở thành hiện thực chính là con em họ. Sức ép nặng nề mà các bậc cha mẹ áp đặt cho con em mình khiến trẻ chỉ biết học và học. Học ở trường không đủ, học thêm ngoài giờ lên lớp. Thời gian rảnh rỗi của trẻ không có, trẻ em trở thành những rô bốt dưới sự điều khiển của các bậc cha mẹ mà phần đông trong số đó lại rất hạn chế về sự hiểu biết tâm sinh lý của trẻ. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến trẻ bị rối nhiễu tâm lý.
Một vấn đề khác, trong những năm gần đây, gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Theo số liệu điều tra mới nhất về hiện trạng gia đình Việt Nam của Bộ VH,TT&DL, trong số 2.452 gia đình có con ở độ tuổi từ 15 đến 17 thì 18% gia đình xảy ra hiện tượng bố mẹ đánh mắng chửi nhau, 21,2% gia đình tồn tại bạo lực gia đình, 41,8% cha mẹ quát mắng và 14% cha mẹ đánh đòn khi trẻ vị thành niên mắc lỗi. Sống trong một bầu không khí gia đình như vậy, trẻ em thường lo âu, hụt hẫng, chán nản và hậu quả là không ít trẻ đã có hành vi lệch chuẩn.
Rối nhiễu tâm lý thường xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên, bệnh thường diễn biến kéo dài và phức tạp nhưng lại thường không rõ nguyên nhân nên các bậc cha mẹ và cả các bác sĩ thường chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Ban đầu, rối nhiễu tâm lý thường có biểu hiện như nhức đầu, chán ăn, lo lắng, mất tập trung, giảm trí nhớ. Nếu bệnh tiếp tục phát triển, trẻ sẽ có những rối loạn nhân cách, gây gổ, đánh nhau, hung bạo, thậm chí bỏ nhà đi và có ý định tự sát. Rối nhiễu tâm trí dù ở mức độ nhẹ nhất vẫn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo TS Nguyễn Hồi Loan, để giảm thiểu khả năng bị rối nhiễu tâm trí cho trẻ vị thành niên, cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo ở bậc phổ thông và đại học theo hướng tinh giản và gắn liền học lý thuyết với thực hành nhằm giảm tải khối lượng kiến thức đối với HS. Bên cạnh đó, các trường cần phải có bộ phận tư vấn HS do một nhà tâm lý học đảm trách. Nhà trường, gia đình cần phải giáo dục cho trẻ kỹ năng biết chấp nhận thất bại trong cuộc sống vì đó là một kỹ năng không thể thiếu trong xã hội hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.