(HNM) - Thời gian gần đây, trên tuyến sông Hồng liên tiếp xảy ra sự cố sạt lở bờ sông, nhấn chìm hàng trăm mét vuông đất ở, sản xuất nông nghiệp, đe dọa an toàn tính mạng, công trình nhà ở của người dân… Khắc phục tình trạng này như thế nào đang là vấn đề đặt ra với các sở, ngành, địa phương.
Chỉ tay về phía dòng sông, nơi những bụi tre, cây ăn quả của gia đình bị sạt xuống lòng sông, ông Đường Văn Muôn, trú tại thôn 5, xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) lo lắng nói: "Gia đình tôi đã chủ động gia cố bảo vệ bằng cọc tre và bê tông nhưng sau trận mưa hồi cuối tháng 8 vừa qua, sông Hồng vẫn lấy mất hơn 500m2 đất sản xuất nông nghiệp…”.
Cách hộ ông Muôn khoảng 30m, gia đình ông Nguyễn Văn Anh cũng bị sông Hồng kéo tụt hơn 300m2 đất sản xuất nông nghiệp, làm trơ móng 10m công trình nhà ở... Kế tiếp khu đất của gia đình ông Nguyễn Văn Anh đang xuất hiện cung sạt dài 50m, rộng 4m, cung sạt thẳng đứng, sâu khoảng 3m…
Không riêng Tự Nhiên, người dân các xã ven sông Hồng như Văn Nhân (huyện Phú Xuyên), Minh Châu (huyện Ba Vì)… cũng rất lo lắng trước diễn biến sạt lở bờ sông. Người dân sinh sống ven bờ sông Hồng mong muốn được các cấp chính quyền nghiên cứu, khảo sát làm tuyến kè kiên cố, giảm tình trạng sạt lở để yên tâm sản xuất và sinh sống.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Nguyễn Thanh Hưng cho biết, tình trạng sạt lở bờ hữu sông Hồng, đoạn qua xã Tự Nhiên xảy ra từ năm 2018. Đến nay, sự cố này vẫn có xu hướng tiếp diễn, ảnh hưởng đến đời sống của gần 70 hộ dân trong khu vực. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở do khu vực này có bờ sông dốc, dòng chảy áp sát bờ; địa chất chủ yếu là cát pha. Phía đối diện (bờ tả sông Hồng, thuộc địa phận xã Phương Trù, huyện Khoái Châu), tỉnh Hưng Yên đã xây dựng 5 kè mỏ hàn làm dòng chủ lưu chuyển dần sang bờ hữu. Đặc biệt, tại khu vực bờ tả này (thuộc tỉnh Hưng Yên) còn tình trạng khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng...
"Do ngân sách của địa phương còn hạn chế nên UBND huyện Thường Tín đã báo cáo cấp trên đầu tư kinh phí cho xử lý khẩn cấp những đoạn sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực…", ông Nguyễn Thanh Hưng cho hay.
Về vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhận được báo cáo của các địa phương, Sở NN&PTNT đã kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ sạt lở bờ bãi sông Hồng.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ hữu sông Hồng đoạn xã Tự Nhiên; đôn đốc huyện Ba Vì đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chống sạt lở bờ hữu sông Hồng - đoạn xã Minh Châu...
Trước mắt các huyện: Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên… chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lập rào chắn, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra tình hình sạt lở; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý sự cố phát triển đến mức nguy hiểm…
"Đặc biệt, xã Tự Nhiên và huyện Thường Tín cần tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình xây dựng trong phạm vi sạt lở; nhanh chóng sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm…”, Giám đốc Sở NN& PTNT Chu Phú Mỹ yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.