(HNMO) - Chiều 21-4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố.
12.492 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống
Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số quý I-2023 của thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, 100% cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính (CCHC), lồng ghép với kiểm tra công vụ và sớm triển khai kiểm tra. Qua kiểm tra các cơ quan, đơn vị về cơ bản đã nghiêm túc thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, không còn ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về thái độ nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp. Trong đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị; cấp 31.345 tài khoản cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và xử lý công việc; 96.240 văn bản đã được cập nhật và 12.492 văn bản điện tử được giao dịch qua hệ thống. Nhờ đó, bảo đảm chỉ tiêu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.
Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo thành phố đã triển khai tới 100% cơ quan, đơn vị; cấp 3.345 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo. Hình thành 2 kho dữ liệu, chia sẻ dùng chung gồm: Kho biểu mẫu, với 134 biểu mẫu; kho chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 2.136 chỉ tiêu. Tổ chức kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu về 8 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố với Hệ thống thông tin báo Chính phủ theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Việc thực hiện số hóa tại bộ phận "một cửa” các sở, ngành và bộ phận "một cửa” của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan...
Về nhiệm vụ trọng tâm quý II-2023, Ban Chỉ đạo thành phố tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chỉ đạo triển khai hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ còn chậm muộn trong quý I-2023 và hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được đề ra trong quý II-2023 tại các kế hoạch CCHC năm 2023 của UBND thành phố; kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ của trung ương, thành phố giao.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2022. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông đã thông tin về dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2023; Dự thảo "Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thành phố Hà Nội đến năm 2025"...
Tránh những “lực cản” trong cải cách hành chính
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Hà Minh Hải đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, sở, ngành trên địa bàn thành phố trong thực hiện công tác chuyển đổi số thời gian qua, đặc biệt là vai trò chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Tuy nhiên, đồng chí Hà Minh Hải cho rằng, mặc dù Chính phủ cũng như thành phố đã ban hành đủ cơ chế, chính sách pháp luật mang tính “khung” để thực hiện chương trình chuyển đổi số của thành phố nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Trong đó, việc thực hiện các báo cáo về các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch chưa khoa học; số hóa các văn bản, số hóa quy trình, an ninh an toàn, văn hóa số… còn chậm. Đồng chí Hà Minh Hải yêu cầu đối với các sở, ngành cần xây dựng lộ trình kiểm đếm từng phần việc, nhiệm vụ liên quan đến công tác số hóa mà thành phố chỉ đạo để bảo đảm tiến độ đề ra.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo thành phố sau khi kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số thành phố Hà Nội. Đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trong thời gian qua nhằm nâng cao các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS…, song Chủ tịch UBND thành phố cho rằng so với các tỉnh, thành phố trên cả nước thì công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chậm và chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu giúp thành phố để có các giải pháp khắc phục kết quả các chỉ số về cải cách hành chính cao hơn. Trong đó, phân công phân nhiệm rõ ràng và có tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Chủ tịch UBND thành phố cũng thống nhất với đề xuất bổ sung Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã vào Ban Chỉ đạo thành phố, “bởi chuyển đổi số có thành công hay không có vai trò quan trọng của người đứng đầu”.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Văn phòng UBND thành phố đánh giá lại việc phân cấp ủy quyền vừa qua để từ đó sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục đưa ra các quy trình xử lý công việc tốt hơn, tránh những “lực cản” trong cải cách hành chính, làm sao để công tác cải cách hành chính của thành phố mang lại lợi ích có thật cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh lưu ý về công tác phối hợp giữa các đơn vị sở ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, nhất là công tác trao đổi thông tin giữa các cá nhân, đơn vị. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị phải lập lại quy chế làm việc, công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện, để ngày một nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị.
Về chuyển đổi số và các công việc liên quan đến số hóa, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ đạo nghiên cứu triển khai các công việc, nhiệm vụ theo hướng vừa làm, vừa lắng nghe, có những bước đi thận trọng. “Cần chọn những việc trọng tâm, trọng điểm, tạo hiệu quả cao, tránh làm theo hình thức “ào ào” gây lãng phí nguồn lực”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.