Hà Nội kết nối

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành logistics

Hà Phạm 13/08/2023 - 11:43

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số ngành logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

ccl1.jpeg
Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) là cảng container lớn nhất cả nước.

Chuyển đổi số là yếu tố sống còn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mục tiêu phát triển của ngành logistics Việt Nam tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50-60%, chi phí giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên…

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, ngoài việc phải khắc phục một số hạn chế hiện nay như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; chi phí logistics cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics; quy mô doanh nghiệp nhỏ..., ngành logistics cần đẩy mạnh chuyển đổi số. 

Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp nêu, Hà Lan áp dụng công nghệ IoT (internet vạn vật) và hệ thống thông tin địa lý (GIS) cho logistics; Đức đã tạo ra một hệ thống thông tin logistics thông minh, kết nối để quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa...

Do đó, ngành logistics Việt Nam cần phải tăng tốc chuyển đổi số để thay đổi cách thức quản lý, vận hành trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu; kết nối đồng bộ trong quản lý vận vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động của logistics, qua đó giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa.

cang-brvt.jpg
Vận tải đường biển bằng container luôn chiếm vị trí quan trọng trong ngành dịch vụ logistics.

Còn Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ kỹ thuật số DP world (đến từ UAE) Mike Bhaskaran bày tỏ, để doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất, nhập khẩu, phát triển ngành logistics, Việt Nam cần tăng cường khả năng hiển thị và tính minh bạch thông qua thúc đẩy phát triển các giải pháp công nghệ internet vạn vật, hệ thống theo dõi GPS.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại vận tải Tân An Phát Phan Tuấn Anh (tỉnh Bình Dương) cho hay: "Chúng tôi đã áp dụng công nghệ về hệ thống quản lý vận tải cho phép theo dõi hàng hóa và tuyến đường di chuyển của hàng hóa; cùng với hệ thống quản lý kho cho phép theo dõi nhập kho hàng hóa”.

Thúc đẩy logistics và thương mại điện tử

Chia sẻ về tính liên kết giữa ngành logistics và thương mại điện tử, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại xuất, nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Hậu Hồng Băng cho rằng, thương mại điện tử giải quyết quy trình giao dịch của hàng hóa, còn logistics hoàn thành khâu bàn giao hàng hóa, cuối cùng tạo thành một vòng giao dịch khép kín. Vì thế, logistics chính là sự bảo đảm giao dịch và là một phần quan trọng của thương mại điện tử.

tl3.jpg
Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ nhất – VILOG 2023 đang diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để ngành thương mại điện tử đi sâu vào các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Phó Trưởng ban Logistics - Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Phạm Tấn Đạt cho biết, thời gian tới, VECOM sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy về thương mại điện tử và kinh tế số.

Đồng thời, phân bổ hợp tác với các đơn vị liên quan thúc đẩy công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Đặng Vũ Thành, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung những dịch vụ giá trị gia tăng. Các giải pháp kho bãi phải thích nghi với các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối...

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hướng tới cung cấp dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp chủ hàng. Trong đó, 3PL là việc thuê các công ty bên ngoài để thực hiện các hoạt động logistics, có thể là toàn bộ quá trình quản lý logistics hoặc một số hoạt động có chọn lọc.

Còn 4PL là mức cao hơn. Theo đó, công ty logistics 4PL là công ty đóng vai trò hợp nhất, gắn kết các nguồn lực tiềm năng và cơ sở vật chất kỹ thuật của mình với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành logistics

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.