(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay tỷ lệ hàng tồn kho ở một số ngành công nghiệp, vật liệu xây dựng... đang ở mức khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm còn rất khó khăn.
Xi măng là mặt hàng có chỉ số tồn kho cao.Ảnh: Như Ý
Tính đến cuối năm 2011, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện; xi măng; giường, tủ, bàn ghế; giày dép; thức ăn gia súc... Trong đó có mặt hàng thép. Do chính sách thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát, từ đầu năm đến nay ngành này liên tiếp đối mặt với những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù trong năm qua đã nhiều lần giảm giá bán, nhưng thị trường thép vẫn chưa khởi sắc. Không ít DN thép bị phá sản hoặc tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người lao động. Sản phẩm tồn đọng tăng, thị phần của DN bị thu hẹp, sản xuất cũng vì vậy mà giảm sút. Nhìn vào cơ cấu hàng tồn kho năm qua có thể thấy xu hướng người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, không mua sắm những sản phẩm không cần thiết, đồng thời tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, như dược phẩm, xe có động cơ xuất xứ trong nước, nên lượng hàng tồn kho của những mặt hàng này giảm... Một vấn đề bất cập không thể không nói đến là với mặt hàng gạch ốp lát, trong khi thị trường tiêu thụ có hạn, sản phẩm nội địa đang tồn kho khối lượng lớn thì gạch ốp lát có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn không ngừng tràn vào thị trường trong nước. Hiện nay, cả nước có gần 60 DN sản xuất gạch ốp lát với tổng công suất khoảng 400 triệu mét vuông/năm. Sản phẩm tồn kho với khối lượng lớn đang xảy ra trong toàn hệ thống sản xuất gạch ốp lát, thậm chí có không ít DN đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất vì sản phẩm bị ứ đọng quá lớn, với tổng giá trị tồn kho tới hàng nghìn tỷ đồng. Gạch ốp lát không thuộc mặt hàng cấm nhập khẩu, khi nhập khẩu lại không ít DN có hành vi gian lận thương mại. Với sự thông đồng của bên bán (các DN nước ngoài) các DN nhập khẩu trong nước đã ghi giá mua trong hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế, theo đó khoản thuế phải nộp sẽ ở mức rất thấp. Để thông quan, DN nhập khẩu chỉ cần xuất trình hóa đơn (trong đó có ghi giá mua) còn giá thực tế như thế nào ngành chức năng coi như... không biết!?. Sau khi gian lận được mức nộp thuế, chi phí đầu vào giảm, giá bán thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước làm cho gạch ốp lát "nội" không thể cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2011, các DN trong nước đã nhập khẩu hơn 100 triệu mét vuông gạch men và gạch granite, trong khi thị trường tiêu thụ có hạn, sản phẩm "nội" đang tồn kho khối lượng lớn. Nghịch lý này nếu không sớm được giải quyết có hiệu quả sẽ gây ra nhiều hệ lụy kể cả về kinh tế cũng như an sinh xã hội. Vậy, cần tính đúng, tính đủ mức thuế nhập khẩu và việc làm này không khó, đây cũng là giải pháp "chặn" gạch ốp lát "ngoại" đang tràn vào thị trường trong nước.
Mặc dù lượng hàng hóa tồn kho khá lớn, nhưng trên thực tế mỗi mặt hàng, mỗi DN, tỷ lệ này lại khác nhau, nên không thể có giải pháp chung để giải quyết cho tất cả các sản phẩm tồn kho được. Song, căn cứ vào từng nhóm hàng, có thể đưa ra những giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, với mặt hàng là nguyên liệu chưa tiêu thụ được, nếu DN nhập khẩu lúc giá thấp để chờ khi giá cao mới bán cho DN sản xuất thì không cần can thiệp. Nhưng, nếu do DN dự báo về kế hoạch sản xuất, kinh doanh không chính xác, tự DN phải điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất, phân phối hàng hóa, cũng như cơ cấu hàng nhập khẩu... Tuy nhiên, để thực hiện được những giải pháp này, DN cần có thời gian, nhất là phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, nhưng hiện tại ít DN đáp ứng được. Đây cũng là một trong những điểm yếu cần sớm khắc phục của các DN "nội", trong đó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, hiệp hội ngành hàng bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.