(HNM) - Kết thúc năm kế hoạch 2019, thành phố Hà Nội đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế. Kết quả xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khá, nhất là đối với các sản phẩm công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước và mở ra triển vọng tích cực trong thực hiện năm kế hoạch 2020…
Nhiều nhóm sản phẩm tăng trưởng mạnh
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, năm 2019, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh đã phát huy nội lực, chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp. So với năm 2018, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 19,6%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29% (do có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ, Đông Nam Á). Đó là kết quả rất đáng ghi nhận của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Tính chung, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%.
Một số nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: Hàng dệt may 2,2 tỷ USD, tăng 17%; máy vi tính, hàng điện tử 2,5 tỷ USD, tăng 5,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng 1,3 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm trước. Như vậy, các sản phẩm công nghiệp ngày càng vươn lên, trở thành nhóm sản phẩm xuất khẩu quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chưa có sự bứt phá đáng kể về công nghệ; nhiều đơn vị chậm đổi mới, thiếu đầu tư thỏa đáng, cũng như kỹ năng quản trị... Vì thế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn yếu, ảnh hưởng rất lớn đến việc đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là với những thị trường lớn, tiềm năng song khó tính như châu Âu, Mỹ… Theo ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, một phần nguyên nhân là doanh nghiệp quy mô còn nhỏ; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng sáng tạo còn thấp. Đây chính là hạn chế, ngăn cản doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Chủ động bước vào năm mới
Bước vào năm 2020, tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của lĩnh vực công nghiệp nói chung sẽ được duy trì tốt do có sự tác động tích cực và sự hậu thuẫn là đà tăng trưởng mạnh từ năm 2019.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, các sản phẩm công nghiệp của thành phố đang từng bước lan tỏa trên nhiều ngành nghề, với nhiều chủng loại sản phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. Trong đó, một số đơn vị được đánh giá là điển hình trong sản xuất và xuất khẩu như: Tổng công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp..., với doanh thu bình quân của mỗi doanh nghiệp đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, xuất khẩu dựa trên những lợi thế, tiềm năng của mình. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cho từng chuyên ngành, nhóm hàng xuất khẩu riêng. Với ngành hàng linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi, sẽ xây dựng thí điểm một số cụm công nghiệp điện tử nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, trong đó hạt nhân sẽ là các công ty đa quốc gia. Bên cạnh các thị trường truyền thống, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác như Myanmar, Nga…
Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, năm 2020 Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 18,9 tỷ USD, tăng hơn 8%. Để đạt được con số này, sở sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút đầu tư các dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, lồng ghép với việc tận dụng thời cơ do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, hướng tới chiều sâu và tăng cường giá trị gia tăng của sản phẩm. Hà Nội cũng sẽ chủ động thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo về quản trị doanh nghiệp và thông tin, kiến thức về xuất khẩu… cho các doanh nghiệp.
“Đặc biệt, Hà Nội sẽ nhân lên kết quả đạt được sau hai năm triển khai đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, với hơn 90 sản phẩm cụ thể đã đạt danh hiệu để tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu phục vụ nhu cầu xuất khẩu”, ông Lê Hồng Thăng khẳng định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng chủ động đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu theo định hướng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhất là đối với sản phẩm điện tử. Bà Trần Thị Thu Trang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel cho biết, đơn vị đã nghiên cứu thị trường một cách bài bản để có bước đi phù hợp; đặc biệt là đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Cũng theo bà Trần Thị Thu Trang, hiện làn sóng chuyển dịch sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ, nên cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng linh kiện và xuất khẩu là khá cao. Các doanh nghiệp mong muốn có thêm chính sách khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Là đơn vị sản xuất phầm mềm, Công ty cổ phần Misa cũng đang tận dụng nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng đổi mới sáng tạo để phát triển thị trường. Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Misa cho hay: “Misa đang cung cấp phần mềm quản lý cho khách hàng tại 15 quốc gia, trong đó có Đức, Mỹ, Canada, Thái Lan... Chúng tôi nghiên cứu kỹ yêu cầu từng thị trường và ngôn ngữ bản địa của từng quốc gia để hoàn thiện sản phẩm ở mức tốt nhất. Năm 2020, Misa sẽ đẩy mạnh quá trình hiện thực hóa sứ mệnh trở thành doanh nghiệp số 1 ở Đông Nam Á về phần mềm tài chính - kế toán - quản trị doanh nghiệp”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quân thông tin, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đang tổ chức các chương trình trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ đào tạo kiến thức giám đốc điều hành; phổ biến nội dung của các hiệp định thương mại tự do... Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Hà Nội có thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh.
Những nỗ lực của doanh nghiệp cùng các giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác tối đa lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô tiếp tục bứt phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.