Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm

Hồng Sơn| 30/11/2019 07:42

(HNM) - Chỉ còn một tháng nữa là năm 2019 sẽ khép lại với nhiều thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế của nước ta, trong đó lĩnh vực xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên bức tranh kinh tế sáng màu. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn đang đặt ra, đặc biệt là dấu hiệu giảm tốc trong xuất khẩu. Thời điểm này, các cơ quan chức năng đang tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp dồn sức vượt qua khó khăn để tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu...

Tăng trưởng khả quan

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 11 tháng qua đạt hơn 241 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khả quan bởi so với kim ngạch nhập khẩu, nước ta đã xuất siêu 9,1 tỷ USD giá trị hàng hóa. Đây là một kỷ lục xuất siêu mới của kinh tế Việt Nam... Đáng chú ý, riêng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 18,1%. Điều này thể hiện sức vươn, bước trưởng thành nhanh chóng của doanh nghiệp nội địa.

Giày dép là một trong 29 nhóm hàng, mặt hàng được đưa vào danh sách đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh: Linh Ngọc

Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) Lê Huy Khôi nhận định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm, tận dụng cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện những khoản đầu tư lớn để nâng cấp, hoặc thay đổi công nghệ nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.  Thực tế cũng cho thấy, nếu doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội, chuyển cơ hội thành kết quả cụ thể thì sẽ tìm được con đường đưa sản phẩm ra thị trường thế giới một cách liên tục, suôn sẻ. 

Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp là một điển hình. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Lương Văn Thắng, đơn vị đã tập trung đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng thương hiệu, nên luôn bảo đảm hoạt động xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Lào, Nga. Công ty xác định tìm thị trường là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên. 

Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ đang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng của nước ta, với mức tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đã có 30 nhóm hàng, mặt hàng được đưa vào danh sách đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như mặt hàng đồ gỗ, máy tính, linh kiện điện tử, giày dép...

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, các ưu đãi về thuế theo cam kết của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đang giúp cho giày dép Việt Nam mở rộng thị trường tại nhiều nước. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu các loại giày dép, túi xách sẽ đạt 21,5 tỷ USD khi kết thúc năm 2019.

Sự giảm tốc và giải pháp khắc phục

Bên cạnh kết quả tích cực, xuất khẩu của nước ta đang có dấu hiệu giảm tốc. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10-2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,45 tỷ USD, giảm 1,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,15 tỷ USD, giảm 9,1%. Một số mặt hàng nông sản, gồm gạo, rau, quả trong đà suy giảm với nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thế giới giảm, hàng của ta phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước cùng xuất khẩu nông sản như Ấn Độ, Thái Lan,... 

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu ổn định, theo đường chính ngạch cần tuân thủ, đáp ứng tốt các quy định của nước sở tại. Ví dụ, mặt hàng rau, quả Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng vẫn còn trường hợp gặp khó khăn với quy định về xuất xứ, hoặc đóng gói hàng hóa của nước bạn...

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần xem xét, phân tích các nguyên nhân về sự suy giảm trong xuất khẩu để tìm cách khắc phục. Trong đó, chú ý các yếu tố tác động từ nội bộ nền kinh tế, các nguyên nhân chủ quan để nâng cao hiệu quả điều hành, tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra là cần tập trung khôi phục, giữ đà tăng trưởng về xuất khẩu như đã đạt được 11 tháng qua. Trong đó cần sự vào cuộc đồng bộ, từ cơ quan chức năng đến cộng đồng doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trước mắt cũng như lâu dài, cần chủ động tận dụng cơ hội khai thác lợi thế do các FTA mang lại. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng, với hơn 500 triệu người tiêu dùng. EVFTA có thể sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% trong các năm tới.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường theo dõi diễn biến thị trường, phát hiện và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ hàng rào kỹ thuật của các nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường; các quy định liên quan đến xu hướng, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của các thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu...

Đối với các doanh nghiệp, sự chủ động đầu tư cho công nghệ và bảo đảm chất lượng sản phẩm là giải pháp để phát triển xuất khẩu bền vững. Trưởng phòng Xuất khẩu (Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu) Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, do tích cực duy trì thị trường cũ, tìm thị trường mới và bảo đảm chất lượng sản phẩm nên công ty vẫn giữ vững đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu các sản phẩm cơ khí chính xác sang Đức, Mỹ, Nhật...

Như vậy, với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, tin tưởng rằng, nền kinh tế nước ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu từ 261 tỷ USD đến 262 tỷ USD giá trị hàng hóa trong năm 2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.