(HNM) - Nhằm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng. Hiện nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản.
Những cơ hội từ cấp mã số
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thế giới về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện Ba Vì đang xây dựng vùng chuyên canh chuối 300ha ven sông Hồng, sông Đà tại các xã: Minh Châu, Chu Minh, Thuần Mỹ… cho giá trị từ 300 đến 350 triệu đồng/ha/năm. Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Nụ, hợp tác xã trồng chuối sạch với quy trình khép kín, sử dụng phân bón là chất thải hữu cơ trong sản xuất. Cùng với xuất khẩu quả chuối tươi, hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối...
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Hà Như Huệ thông tin, Sơn La là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn của miền Bắc, với 82.805ha. Đến nay, toàn tỉnh có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường: Australia, New Zealand, Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu và nhiều thị trường khác. Tổng diện tích cây ăn quả được gắn mã số vùng trồng xuất khẩu lên tới hơn 4.600ha, gồm các loại cây: Xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc ca; có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu. Việc được cấp mã số vùng trồng rất quan trọng đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp khi muốn mở rộng thị trường thông qua xuất khẩu.
Tại diễn đàn thúc đẩy số trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa thông tin, các địa phương đang áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ và số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, cả nước có khoảng 4.600 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 300.000ha, gồm trái cây, lúa, cà phê, tiêu, điều, gỗ... và 2.000 cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị khi xuất khẩu.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng có vai trò rất lớn nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn, do vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân chưa tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chưa có thói quen ghi chép sổ sách, nhật ký đồng ruộng, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Để tháo gỡ khó khăn và mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho rằng, xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nên các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Ngô Thu Hồng, các địa phương cần hỗ trợ nông dân trong quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn sạch; phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn, như: Chuối, rau, cây ăn quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã làm chứng nhận sản phẩm VietGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận OCOP… Với những vùng sản xuất này, sẽ góp phần tăng thêm nguồn nông sản chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2022-2023, cả nước hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung, với tổng diện tích khoảng 166.800ha, các tỉnh, thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh, thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.