Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

Thanh Hải| 03/01/2021 06:25

(HNM) - Thời gian qua, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng đáng kể trên bảng xếp hạng thế giới. Kết quả này có được là nhờ những giải pháp hiệu quả của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ xuất nhập khẩu và hơn cả là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng trong nước và đối tác nước ngoài.

Dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng thương hiệu May 10 vẫn luôn được củng cố và giữ vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam

Khẳng định vị thế...

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho biết, năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 khiến ngành Dệt may và chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng thương hiệu May 10 vẫn luôn được củng cố và giữ vững. "Để giữ vững thương hiệu, chúng tôi đã tiến hành nhiều giải pháp duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Từ tháng 2-2020, công ty đã bắt đầu có ý tưởng sản xuất khẩu trang thay thế các mặt hàng truyền thống. Từ tháng 3-2020, May 10 quyết định đầu tư máy móc và đến tháng 4-2020 đã có sản phẩm ra thị trường... Nhờ đó, May 10 đã vượt qua khó khăn, đứng vững trong đại dịch", ông Thân Đức Việt cho biết.

Tương tự, với Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (HABECO), năm 2020 cũng là năm đầy sóng gió. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu có tuổi đời 130 năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HABECO Trần Đình Thanh cho biết, tổng công ty đã phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, phương án kinh doanh, cải tiến nâng cấp cho ra mắt nhiều sản phẩm mới, từng bước chiếm lĩnh và chinh phục thị trường. HABECO đã đầu tư viện nghiên cứu riêng với trang bị cơ sở vật chất hiện đại; công bố bộ nhận diện mới với một định vị khác biệt nhằm định hướng phát triển cho các dòng sản phẩm và chiến dịch truyền thông marketing, tái cấu trúc hình ảnh của HABECO... Bởi vậy, năm 2020, thị phần của HABECO vẫn được mở rộng, tăng liên tục trong quý III-2020 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 2.741 tỷ đồng (tăng 1,73% so cùng kỳ năm 2019), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 340 tỷ đồng.

Những kết quả của May 10, HABECO cũng là kết quả của nhiều thương hiệu mạnh Việt Nam thời gian qua. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp này đã khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Cụ thể, 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 có tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 nghìn lao động.

... tiếp tục đẩy mạnh, phát triển thương hiệu

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi quy mô nhỏ, đơn lẻ cũng như vấn đề về chất lượng, an toàn, năng lực chế biến... Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương, xây dựng thương hiệu là cả quá trình dài, chẳng hạn như riêng việc xây dựng công nghệ chiết vô trùng và biến công nghệ này thành xu thế ở Việt Nam, Tân Hiệp Phát cũng phải mất 10 năm. Do đó, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, cũng rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu gắn các giá trị tích cực, nổi trội của doanh nghiệp sẽ được tập trung đẩy mạnh; qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, quản trị, phát triển thương hiệu; tuyên truyền về chương trình Thương hiệu quốc gia và các thương hiệu tiêu biểu của doanh nghiệp đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam; xây dựng và bảo vệ thương hiệu...

Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 được định giá 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019. Như vậy, trong 4 năm trở lại đây, thứ hạng của Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.