(HNM) - Sau Tết Nguyên đán, thị trường Hà Nội lại nổi cộm việc tăng giá của nhiều loại hàng hóa, trong đó có những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Thực tiễn đặt ra yêu cầu tiếp tục Chương trình bình ổn giá để tạo điều kiện tốt cho sản xuất - kinh doanh và ổn định đời sống…
Kết quả khả quan
Theo Sở Công thương, năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 885 ngàn tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm trước. Thực tế thị trường rất sôi động, đặc biệt là vào cuối năm, dịp Tết Nguyên đán với hoạt động mua bán nhộn nhịp, lượng hàng hóa ngày càng phong phú. Có được diễn biến nói trên là do sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố và sự nỗ lực của cộng đồng DN. Các lực lượng chức năng, chủ công là Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm để mang lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN và quyền lợi cho người tiêu dùng…
Điểm bán hàng bình ổn giá tại phố Xã Đàn (Hà Nội). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thị trường bình ổn là do thành phố thực hiện Chương trình bình ổn giá, qua việc dành 400 tỷ đồng từ ngân sách cho một số DN thuộc lĩnh vực sản xuất và phân phối vay với lãi suất 0% nhằm thu mua, dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu, gồm gạo, thịt, dầu ăn, rau-củ-quả… Điều kiện đặt ra là các đơn vị phải kịp thời trữ hàng và bán ra với mức giá hợp lý trong điều kiện thị trường ổn định; bán thấp hơn mức giá thị trường 10% khi thị trường tăng giá bất ngờ hoặc tăng giá bất hợp lý. Đó là công cụ điều tiết thị trường từ cấp vĩ mô để có thể can thiệp về giá và bảo đảm thị trường bình ổn ở mức tối đa có thể.
Phần lớn DN đều nhiệt tình tham gia chương trình, với những hoạt động khá đa dạng. Trong đó, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã tổ chức hàng chục chuyến đưa hàng về nông thôn, điển hình là việc tổ chức đồng loạt 9 phiên chợ Tết ở các huyện, được chính quyền và nhân dân sở tại hoan nghênh. Trong những đợt bán hàng đó, hàng hóa nói chung và hàng bình ổn nói riêng được mua nhiều, có giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bên ngoài, lại bảo đảm về chất lượng. Qua đó, thị trường tại địa phương cân bằng về cung - cầu, triệt tiêu được khả năng nảy sinh sốt giá. Một số DN khác như Intimex, Fivimart… cũng triển khai các đợt bán hàng tương tự. Hoạt động của các DN đã mang lại tác động tích cực đối với thị trường, gây hiệu ứng tâm lý tốt trong dân chúng.
Song, việc triển khai chương trình cũng cho thấy một số hạn chế. Đó là, việc bán hàng nhìn chung chưa thể điều tiết giá cả như ý, bởi lượng vốn cho DN vay mua trữ hàng còn quá nhỏ bé so với tổng nhu cầu. Phần lớn DN vẫn chỉ tập trung kinh doanh tại khu vực nội thành để tranh thủ tiềm năng dồi dào về sức mua mà lơ là nhiệm vụ vươn ra, bao quát cả vùng ngoại thành, nhất là vùng xa. DN chưa thể mở rộng số lượng điểm bán hàng do chưa kịp chuẩn bị nguồn nhân lực, phương án "trụ" lâu dài ở nông thôn, nhất là gặp khó do thiếu mặt bằng… Kết quả kiểm tra cho thấy, có điểm bán hàng không chuẩn bị đủ số nhãn hàng theo đăng ký. Thậm chí có lúc, có nơi hàng hóa sơ sài, quá lèo tèo chỉ có vài vỉ trứng, vài khay thịt và vài mớ rau.
Tăng vốn bình ổn, quyết liệt chỉ đạo
Việc dành vốn ngân sách cho DN vay thực hiện Chương trình bình ổn giá là chủ trương có ý nghĩa sâu rộng của thành phố, có tác động tích cực đối với đời sống dân sinh cũng như với DN. Đã có hơn 10 địa phương, nhất là tỉnh, thành đông dân mong muốn trao đổi kinh nghiệm để thực hiện như Hà Nội. Vấn đề đặt ra là làm sao đúc rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung và cách thực hiện hiệu quả hơn. Theo Sở Công thương, Sở đang soạn tờ trình Chương trình bình ổn giá mới để thành phố phê duyệt. Trong đó, sẽ nhấn mạnh hơn vào quy định DN đăng ký tham gia phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về hàng hóa cho khách hàng theo hướng dễ nhận biết, dễ hiểu, đặc biệt là thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. DN không nên đăng ký đảm nhận nhiều mặt hàng nhưng chưa đủ sức làm chủ tình huống, dễ dẫn đến việc có bán hàng mà không đủ về số chủng loại hàng thuộc diện bình ổn. DN có trách nhiệm mở rộng hệ thống điểm bán hàng, khuyến khích vươn ra ngoại thành theo hướng đều khắp. Thậm chí, từng bước đưa nội dung này là một yêu cầu bắt buộc để DN đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, đưa cơ hội mua sắm thuận lợi, giá hợp lý đến với mọi nhà...
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nội dung dự thảo chương trình mới sẽ tăng phần chế tài xử lý để tăng trách nhiệm của DN nhận vốn hỗ trợ. Công tác kiểm tra sẽ được tăng cường và việc xử lý vi phạm sẽ mạnh tay hơn, thậm chí sẽ rút vốn, điều chuyển vốn của đơn vị vi phạm để bảo đảm chất lượng hoạt động của chương trình. Năm nay, theo đề nghị, lượng vốn ngân sách cho bình ổn giá sẽ tăng hơn để tăng khả năng can thiệp vào thị trường và để chương trình có sức lan tỏa sâu rộng hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.