Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống

Đan Nhiễm| 07/08/2013 05:48

(HNM) - Sau 5 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, đã có nhiều chính sách mới phát triển khoa học, công nghệ (KHCN); các chương trình nghiên cứu về tự động hóa, quy hoạch đô thị, công nghệ sinh học, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn... góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao xung quanh câu chuyện này.

- 5 năm qua, ngành KHCN Thủ đô đã tham gia xử lý những phần việc gì mà theo ông là để lại dấu ấn rõ nhất?

- Tôi cho rằng, dấu ấn đáng kể là việc ban hành những chính sách mới để nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả đó trong đời sống kinh tế, xã hội. Việc có chính sách tốt sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản về cơ chế đãi ngộ trí thức, cơ chế tài chính... tồn tại từ lâu khiến ngành KHCN chậm phát triển. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về việc xây dựng chính sách đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KHCN và các nhà KHCN tham gia thực hiện chương trình KHCN trọng điểm của Thủ đô, do Sở là cơ quan soạn thảo.

Trước đó, Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành nhiều giải pháp để tạo những bước phát triển đột phá cho hoạt động KHCN. Đó là việc hình thành 12 chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2010-2015, thu hút 126 chuyên gia tham gia các ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp thành phố để thực hiện chức năng phản biện, tư vấn danh mục, nhiệm vụ KHCN, tham gia quản lý đề tài, dự án và xây dựng kế hoạch KHCN hằng năm... Năm 2009, Sở KHCN đã tập trung rà soát, xây dựng, công bố 30 bộ thủ tục hành chính, trên cơ sở đó tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục quản lý nhằm bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Sở tham mưu với UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án, phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ phận khi quản lý các đề tài, dự án KHCN. Việc thực hiện quy trình quản lý mới đã nâng cao số lượng, chất lượng “đầu vào”, rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch và thẩm định thuyết minh từ 9 tháng xuống còn 4 tháng. Sở cũng thực hiện phân cấp nhiệm vụ đến từng chuyên viên để khi không hoàn thành nhiệm vụ có thể kiểm tra xem công việc đang “ách” ở đâu, để kịp thời có hướng xử lý.

Thu hoạch nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


- Với sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là hoạt động nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, KHCN Hà Nội đã làm gì để phù hợp tình hình mới này và kết quả ra sao?

- Trong 12 chương trình KHCN cấp thành phố, có 4 chương trình liên quan đến các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông). Giai đoạn 2008-2013, các chương trình KHCN cấp thành phố đã triển khai 540 đề tài, dự án nghiên cứu. Trong đó, các đề tài, dự án trực tiếp phục vụ phát triển tam nông là 89. Tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài đạt khoảng 70%, đối với dự án là 100%.

Các đề tài lĩnh vực tam nông tập trung chủ yếu vào hướng ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, xây dựng mô hình quản lý mới góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Từ các kết quả nghiên cứu khoa học, đã hình thành các quy trình công nghệ và xây dựng các giải pháp kỹ thuật mới, một số giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao cho vùng ngoại thành; triển khai thực nghiệm mô hình đồng bộ: Sản xuất rau an toàn; phòng chống dịch bệnh tổng hợp trong chăn nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng, hiệu quả và an toàn dịch bệnh...

- Ông có thể nêu một số ví dụ về việc ứng dụng thành công kết quả nghiên cứu trong phát triển tam nông?

- Sở KHCN đã thống kê, có hơn 60 kết quả đề tài, dự án đã được ứng dụng thành công trong thực tế. Điển hình là các đề tài, dự án: Nghiên cứu một số giải pháp phát triển giống nhãn chín muộn HTM1 tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, với mô hình 1ha tại xã An Thượng (Hoài Đức) đã cho năng suất đạt 239,7 tạ/ha, thu hoạch muộn so với nhãn chính vụ khoảng 25 ngày, cho thu nhập đạt 600 triệu đồng/ha (đối chứng không áp dụng các kỹ thuật thâm canh chỉ đạt 290 triệu đồng/ha); nghiên cứu kỹ thuật trồng hoa cát tường tại Hà Nội, thử nghiệm trồng quy mô 1.000m2 tại xã Tây Tựu (Từ Liêm) cho thu nhập từ 156 đến 215 triệu đồng trong vụ đông 2011. Cũng có thể kể đến dự án xây dựng mô hình ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH-01 và một số sản phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn tại Hà Nội, áp dụng thử nghiệm tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông) và xã Tiền Phong (Mê Linh) trên diện tích 2ha, cho hiệu quả kinh tế đạt 235 triệu đồng/ha, cao gấp 1,36 lần so với sản xuất rau đại trà... Tôi hy vọng, những kết quả nghiên cứu này sẽ sớm được nhân rộng trong sản xuất.

- Có nghịch lý là không ít sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị các mặt hàng cùng loại có chất lượng thấp, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... lấn át, làm giảm uy tín. Có cách nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Từ năm 2010 đến nay, ngành KHCN Hà Nội đã hỗ trợ các quận, huyện đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm của các làng nghề đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ như: Bưởi tôm vàng, nhãn chín muộn (Đan Phượng); rau hữu cơ (Sóc Sơn); bánh tẻ Phù Nhi, mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ); khoai lang Đồng Thái (Ba Vì); đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, chè sen Quảng An (Tây Hồ); nón Chuông (Thanh Oai); mây tre giang Vạn Phúc (Thanh Trì)... Việc chứng nhận nhãn hiệu tập thể nêu trên góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của các sản phẩm chất lượng cao trong nông nghiệp, đồng thời giúp người tiêu dùng chọn lựa được những mặt hàng xứng với đồng tiền bỏ ra.

- Sau khi mở rộng địa giới hành chính, với đặc thù nhiều làng nghề thủ công nhất cả nước, Hà Nội đồng thời phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thời gian qua, vai trò của KHCN Thủ đô trong xử lý vấn đề này ra sao?

- Sở KHCN Hà Nội đã đặt hàng nghiên cứu thành công rất nhiều đề tài, dự án liên quan đến xử lý khói bụi, nước thải, ứng dụng phế thải làm nhiên liệu đốt khá thành công... Ví dụ, nghiên cứu, ứng dụng nuôi tảo để sản xuất dầu diesel sinh học từ nước thải chăn nuôi; mô hình sử dụng rơm rạ để sản xuất than sinh học nhằm cải tạo đất bạc màu huyện Sóc Sơn; hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất gỗ xenlulo composite từ trấu; nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ và thiết kế, chế tạo máy ép để sản xuất viên và thanh đốt từ trấu...

Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề đang đặt ra gay gắt và là bài toán khó khi hầu hết việc sản xuất ở làng nghề theo quy mô hộ gia đình, công nghệ lạc hậu... Trong khi đó, đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường khá tốn kém, không phải cơ sở sản xuất nào cũng có khả năng áp dụng, đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ mới mong nhân rộng được nhiều kết quả nghiên cứu vào đời sống.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.