Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tiêu thụ trái vải, nhãn vào vụ

Lam Giang| 31/05/2023 16:30

(HNMO) - Quý II-2023, sản lượng vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch, đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lam Giang.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31-5 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn héc ta; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn héc ta, nhãn 39,5 nghìn héc ta. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái vải đạt 27,4 triệu USD (giảm 42,3%), trái nhãn đạt 13,893 triệu USD (giảm tới 40,4%).

Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại, việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện.

Trái vải tươi nước ta đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu, nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU. "Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu hiện đã chuẩn bị xong, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistics với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu, tiêu thụ vải và nhãn năm nay cũng đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó, nhu cầu xuất khẩu nhiều thị trường giảm mạnh, thị trường xuất khẩu nhiều biến động, quá trình vận chuyển đường dài trái vải, nhãn nếu không có giải pháp bảo quản tốt sẽ giảm chất lượng...

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La cho biết, vải chín sớm đã bắt đầu được tiêu thụ với mức giá tương đối cao, từ 22.000 - 29.000 đồng/kg, trái nhãn cũng dự kiến cho thu hoạch tốt. Tuy nhiên, chi phí sản xuất, logistics còn cao, việc thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc còn khó khăn… Do đó đại diện các tỉnh trên kiến nghị, Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ các tỉnh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả hơn nữa, kết nối tiêu thụ trái vải, nhãn tại nhiều thị trường tiềm năng, thị trường mới... 

“Với thị trường Trung Quốc, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về kho bãi, tổ chức phân luồng riêng cho việc thông quan xuất khẩu vải thiều nhanh chóng, hỗ trợ các doanh nghiệp thương nhân Trung Quốc thuận lợi trong thu mua vải thiều…”, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang nói.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Lam Giang.

Cũng tại hội nghị, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đã thông tin về tình hình thị trường các nước, đồng thời lưu ý các doanh nghiệp, địa phương sản xuất xuất khẩu trái vải, nhãn có nhiều giải pháp để đạt hiệu quả xuất khẩu cao nhất.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý, các tỉnh có trái cây vào vụ thu hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại một cách bài bản, có điểm nhấn; đăng ký chỉ dẫn địa lý, khai thác tối đa các kênh thông tin truyền thống và hiện đại như các mạng xã hội; tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á, có thể đưa hình ảnh trái cây Việt Nam vào phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật.

Ông Nguyễn Hữu Quân, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cũng lưu ý, các doanh nghiệp, địa phương cần nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tiếp thị sản phẩm. “Các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với các thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương”, ông Quân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tiêu thụ trái vải, nhãn vào vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.