(HNMO) - Chiều 17-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng các đại biểu HĐND thành phố, Đơn vị bầu cử số 3 đã tiếp xúc cử tri quận Đống Đa.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Đống Đa đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố khóa XVI, đồng thời tin tưởng cán bộ, nhân dân Thủ đô sẽ thực hiện thắng lợi các nghị quyết kỳ họp. Đặc biệt, nhiều cử tri ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả trong các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời mong muốn sẽ sớm bao phủ việc tiêm vắc xin để tăng miễn dịch cộng đồng.
Góp ý về các vấn đề cụ thể, cử tri Nguyễn Viết Nhạc (phường Kim Liên) bày tỏ băn khoăn về việc các ca F0 ngày càng tăng; đồng thời đề nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng cường các biện pháp chống dịch trong tình hình mới. Ngoài ra, cử tri cũng thông tin còn nhiều phụ huynh học sinh khá băn khoăn về việc cho con em đến trường học trực tiếp vì đã xảy ra lây nhiễm tại một số điểm trường. Qua đó, đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có giải pháp tổng thể để gia đình và học sinh yên tâm.
Cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở) cho rằng, hiện thành phố đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động là chủ trương rất đúng đắn trong bối cảnh phòng, chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, để thiết chế này hoạt động hiệu quả, cử tri đề nghị Sở Y tế có sự chỉ đạo tập trung hơn nữa cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và cơ chế đảm bảo cho hoạt động của các trạm y tế lưu động, đồng thời có kế hoạch mở rộng mô hình trong trường hợp các ca nhiễm tăng mạnh…
Thay mặt tổ đại biểu HĐND thành phố tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Trả lời một số kiến nghị cụ thể của cử tri về công tác phòng, chống dịch, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, từ đợt dịch cuối tháng 4-2021 đến nay, Hà Nội có gần 23.000 ca mắc Covid-19. Trước khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, thành phố có gần 6 tháng nỗ lực vượt bậc và chỉ có gần 6.000 ca bệnh, song khi chuyển sang trạng thái mới, thành phố ghi nhận thêm 18.000 ca. Xu hướng tăng cao này ngoài các điểm chung với cả nước, Hà Nội có những điểm khác khi có mức độ giao thương rất lớn, chưa kể những ngày lễ lớn sắp tới diễn ra trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ có khuyến cáo chung, không để tụ tập đông người cũng như có giải pháp mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh tình trạng chủ quan, lơ là của một số đơn vị cũng như người dân. Thời gian tới, thành phố sẽ có công điện mới, siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch; huy động thêm các lực lượng hỗ trợ y tế cơ sở... như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy là “thành bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở”.
Về việc phụ huynh lo lắng khi cho con trở lại trường học, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố rất trăn trở về việc này và thống nhất quan điểm học sinh chỉ đến trường khi được bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe. Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em, Hà Nội hiện còn 292.000 liều nữa cần tiêm cho học sinh trung học cơ sở. Còn với đối tượng trẻ từ 5 đến 11 tuổi, khi nào cấp thẩm quyền cho phép, Hà Nội sẽ đăng ký số lượng cụ thể và tổ chức tiêm xong trong quý I-2022. Theo lộ trình, sau khi các cháu được tiêm đầy đủ 2 mũi thì sẽ tính toán đến việc quay trở lại học tập trung.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, Hà Nội sẽ được cấp thêm khoảng 500.000 liều vắc xin để chuẩn bị tiêm mũi 3 cho người dân và tiêm mũi 2 cho học sinh. Hiện nay, thành phố có hơn 43.000 người già có bệnh nền chưa được tiêm. Thực tiễn vừa qua có nhiều trường hợp tử vong rơi vào đối tượng này, vì thế thành phố đã chỉ đạo nếu người già có bệnh nền không trong diện chống chỉ định tiêm thì cần được tiêm ngay...
* Cùng ngày, các tổ đại biểu HĐND thành phố, Đơn vị bầu cử số 6, 7, 21, 23 đã tiếp xúc cử tri các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đông Anh, Sóc Sơn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông dự tại huyện Đông Anh.
Tại quận Thanh Xuân, cử tri Trần Thị Thái Hòa (phường Phương Liệt) cho biết, phường Phương Liệt có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1km chạy qua, có 12 điểm giao cắt đường sắt với đường bộ, trong đó 7 điểm có rào chắn, 2 điểm lắp đặt rào chắn tự động, còn lại 3 điểm đường ngang người dân tự mở, không có rào chắn hay đèn tín hiệu, chỉ có biển cảnh báo được làm thủ công. Từ thực trạng trên, cử tri kiến nghị thành phố quan tâm, xem xét để đầu tư lắp đặt các điểm rào chắn (barie), biển cảnh báo hiện đại để người dân dễ nhận biết; tổ chức xóa bỏ các lối đi tự mở ngang qua đường sắt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vượt rào chắn đường sắt khi có tín hiệu đèn đỏ báo tàu đang đến.
Cử tri huyện Đông Anh kiến nghị, thành phố chỉ đạo việc xử lý diện tích đất xen kẹt sau khi tiến hành thu hồi đất làm cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cử tri huyện Đông Anh cũng bày tỏ đồng tình việc thành phố đã điều chỉnh quy hoạch đối với khu đô thị mới Xuân Canh (xã Xuân Canh), song trong phạm vi dự án đang tồn tại một nghĩa trang và nhân dân đề nghị giữ nguyên hiện trạng khu vực này.
Bên cạnh đó, cử tri huyện Đông Anh cũng đề nghị, thành phố sớm ban hành các quyết định thay thế để phù hợp với trình tự thủ tục tại Quyết định 1686/QĐ-BTNMT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi bổ sung, thay thế trong lĩnh vực quản lý đất đai; bổ sung biên chế giáo viên năm 2022.
Đại diện chính quyền các quận, huyện đã giải đáp ý kiến cử tri trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, các tổ đại biểu HĐND thành phố đã tiếp thu các kiến nghị của cử tri, tổng hợp, gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.