Nông thôn mới

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng núi Ba Vì

Ánh Dương 29/09/2023 - 06:26

Thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội”, nhiều năm qua, các xã miền núi của huyện Ba Vì luôn được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông…

Nhờ đó, đời sống của người dân 7 xã miền núi Ba Vì không ngừng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định.

ba-vi2.jpg
Mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Ngọc Hà

Hiện nay, 7 xã miền núi của huyện Ba Vì có khoảng 28.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 37,1% dân số trên địa bàn huyện. Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội”.

Trên cơ sở đó, huyện Ba Vì đã thực hiện nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu thành phố giao.

Những năm qua, các xã miền núi của huyện Ba Vì được thành phố đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng, như: Nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các khu du lịch và 7 xã miền núi, hệ thống chiếu sáng đường 415 đi đền Trung... Đây là những công trình có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố dự kiến bố trí 500 tỷ đồng để triển khai 40 dự án trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã được thành phố bố trí 423 tỷ đồng để thực hiện 37 dự án thuộc các lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nhà văn hóa… Nhờ đó, các xã miền núi sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới và hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Diện mạo của 7 xã miền núi cũng trở nên khang trang, sạch đẹp và đồng bộ hơn.

Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, diện mạo nông thôn mới của Khánh Thượng đang từng ngày khởi sắc. Từ xã thuần nông, đến nay, Khánh Thượng đã phát triển với đa dạng ngành nghề: May công nghiệp, dịch vụ, du lịch…; đời sống người dân được nâng cao, với thu nhập hơn 52,5 triệu đồng/người/năm; xã chỉ còn 26 hộ nghèo và 30 hộ cận nghèo (1,74%).

Đến hết năm 2021, cả 7 xã miền núi của huyện Ba Vì đều đạt chuẩn xã nông thôn mới. Giai đoạn 2021-2025, khu vực miền núi phấn đấu 2/7 xã đạt nông thôn mới nâng cao (dự kiến xã Minh Quang đạt năm 2023, xã Ba Trại giai đoạn 2024-2025). Theo đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đối với 2 xã, đến nay, xã Minh Quang đã đạt 8 tiêu chí, 10 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt; xã Ba Trại đã đạt 6 tiêu chí, 12 tiêu chí cơ bản đạt, 1 tiêu chí chưa đạt.

Cùng với việc được hưởng lợi từ các công trình cơ sở hạ tầng mới được đầu tư, người dân các xã miền núi cũng chủ động phát triển kinh tế, từ đó hình thành nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Điển hình là: Chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài với quy mô đạt hơn 10.000 con; sản xuất chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với thương hiệu “Chè Ba Vì”, tổng diện tích hơn 1.300ha, năng suất đạt 10 tấn/ha; sản xuất dong giềng ở các thôn Minh Hồng (xã Minh Quang), thôn Ninh (xã Khánh Thượng), thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì); sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì… Đây là những mô hình có quy mô diện tích và giá trị sản phẩm lớn, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các xã miền núi đạt hơn 10%/năm.

Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số còn được tiếp cận và thụ hưởng một số chương trình để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, như: Vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm; cho con, em đi học các trường chuyên nghiệp và dạy nghề; chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Tổng nguồn vay vốn tín dụng chính sách của 7 xã miền núi đạt gần 175 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng dư nợ toàn huyện, cho hơn 4.500 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh vay...

Bên cạnh đó, tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch của vùng núi cũng được khai thác hiệu quả với nhiều loại hình: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng… Thông qua hoạt động kinh doanh và du lịch, các sản phẩm nông sản, đặc sản của vùng núi cũng được giới thiệu tới du khách, đem lại hiệu quả lớn đối với phát triển kinh tế vùng, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động miền núi. Chỉ tính trong 3 năm, từ năm 2021 đến năm 2023, huyện Ba Vì đã đón hơn 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng…

Đến nay, diện mạo của các xã miền núi Ba Vì có nhiều thay đổi: 7 xã chỉ còn 177 hộ nghèo (năm 2011 có 2.693 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,15%); đời sống người dân được nâng cao với thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm, riêng xã Tản Lĩnh có sự bứt phá với thu nhập 55,2 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng núi Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.