Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở

Thành Tâm| 20/08/2018 10:58

(HNM) - TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền tới các quận, huyện, thị xã đối với những lĩnh vực mà cấp cơ sở có thể thực hiện tốt.


Trên thực tế, có nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước gắn liền với đời sống dân sinh tại cơ sở nhưng lâu nay thuộc quyền quyết định của các sở, ngành hoặc phải thông qua UBND thành phố. Khi có vấn đề phát sinh thì quy trình xử lý thường bị kéo dài do phải qua từng cấp, từ xã đến huyện… Trong khi đó, một số nhiệm vụ cấp quận, huyện hoàn toàn có thể giải quyết tốt nhưng không được phân cấp, ủy quyền nên không chủ động triển khai được, dần dần xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Chính vì vậy, việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực là cần thiết, vừa giảm bớt các khâu hành chính, vừa để các cấp phát huy năng lực, triển khai nhanh các hoạt động, công tác tại địa phương. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc phân cấp, phân quyền căn cứ từ yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương.

Cụ thể, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện thực hiện một số nội dung công việc, như: Việc duy tu, bảo dưỡng đường bộ, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cắt tỉa cây xanh. Chủ trương này đã mang lại hiệu quả, kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc về quản lý đô thị. Hay để phục vụ sản xuất tốt hơn, thành phố đã phân cấp cho các huyện quản lý công trình thủy lợi và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, được thực hiện các khâu trong dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực thoát nước, ngoài những hạng mục, công trình và giấy phép thuộc thẩm quyền thành phố, UBND thành phố đã phân cấp cho cấp huyện chủ động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống thoát nước gắn với các tuyến đường do huyện đầu tư. Trên các tuyến đường do huyện đầu tư, hệ thống chiếu sáng công cộng cũng được phân cấp cho cấp huyện xây dựng, quản lý, duy tu, bảo trì... Thành phố chỉ quản lý tổng thể để thống nhất về số lượng, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thuận lợi khi ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong quản lý, duy tu.

Một vấn đề nữa cũng được cấp cơ sở quan tâm là, việc phân cấp trong mua sắm vật tư, thiết bị, văn phòng phẩm. Theo quy định nhiều năm nay, thành phố thực hiện việc mua sắm tập trung, theo kế hoạch rồi mới phân bổ cho các địa phương. Cách làm này giúp cho công tác quản lý công sản được chặt chẽ, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực.

Song, việc mua sắm tập trung cũng kéo dài thời gian, khiến cho nhiều hạng mục mua sắm không theo kịp với đòi hỏi, chưa sát yêu cầu của từng địa phương. Chưa kể, có nhiều thiết bị, vật tư trong danh sách mua sắm tập trung có giá trị không lớn, lại thường xuyên phải sử dụng, gắn với dịch vụ công phục vụ nhân dân hằng ngày, nếu bị hỏng đột xuất thì mọi hoạt động sẽ bị ngưng trệ.

Nắm rõ tình trạng này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã và đang rà soát để đưa ra khỏi danh mục mua sắm tập trung những thiết bị, tài sản không phù hợp, theo hướng những vật tư giá trị nhỏ, cần mua sắm ngay thì phân cấp cho cơ sở...

TP Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”.

Vì vậy, phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát từ UBND thành phố và các cấp có thẩm quyền cũng chính là giải pháp để thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.