(HNMO) - Thời điểm hiện tại, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục xảy ra ở các địa phương, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển chăn nuôi. Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu, các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, có kế hoạch tiêm phòng vắc xin, hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Bùng phát dịch ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tính đến thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 12 hộ chăn nuôi ở các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây. Tổng số bò mắc bệnh là 21 con, trong đó có 5 con phải tiêu hủy. Tại Hà Nội, bệnh này xuất hiện chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020; đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh là 63.714 con (9.170 con chết và phải tiêu hủy). "Hiện tại, công tác ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh...", ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay, một số địa phương chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy định, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, kéo dài. Mức hỗ trợ 45.000 đồng/kg còn thấp so với giá thực tế cũng gây khó khăn khi phải xử lý, tiêu hủy gia súc. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch, chưa kịp thời bố trí kinh phí hoặc có bố trí nhưng không đủ và chưa bảo đảm nguồn lực để tổ chức tiêm vắc xin bệnh viêm da nổi cục cho đàn gia súc ở các vùng có dịch, địa phương có nguy cơ cao (theo phân cấp, cơ quan thú y cấp tỉnh không thể đề xuất mua vắc xin cho các huyện để tổ chức tiêm phòng).
Mặt khác, việc chăn nuôi trâu, bò phần lớn nhỏ lẻ, thả rông, rất khó cho quản lý, tiêm phòng; ý thức phòng, chống dịch bệnh của một số người chăn nuôi gia súc chưa cao, phó mặc cho nhà nước, không chấp hành và không tuân thủ các biện pháp chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn...
Đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên trâu, bò, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện đã yêu cầu các xã giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; đồng thời hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, thành phố dự kiến bố trí khoảng 5 tỷ đồng để mua và thực hiện tiêm vắc xin phòng căn bệnh này cho 100% trâu, bò trên địa bàn. Trước mắt, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin cho 1.000 trâu, bò (do một doanh nghiệp hỗ trợ). Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, duy trì các chốt kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch hoặc cố tình giết mổ, bán chạy gia súc mắc bệnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để dịch bệnh không lây lan diện rộng, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm vắc xin, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng tại các địa phương đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi trâu, bò áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc...; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán trâu, bò, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến...
Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cần đẩy mạnh việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp để nâng cao năng lực của hệ thống thú y cơ sở. Qua đó giám sát chặt chẽ việc chăn thả trâu, bò cũng như phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.