(HNM) - Thời gian qua, mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn nhưng đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước vẫn thiếu và chưa đồng bộ.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn đầu tư tư nhân. Ảnh: Đàm Duy |
Yêu cầu gay gắt về vốn
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng cuối trong chỉ số năng lực cạnh tranh về chất lượng hạ tầng so với các nước trong khu vực. Sự yếu kém và thiếu thốn về lĩnh vực này là nguyên nhân gây tụt hậu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để khắc phục, Việt Nam xác định sẽ chi nhiều tỷ USD để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong những năm tới. Trong đó, riêng nhu cầu về phát triển năng lượng, với mức tăng khoảng 15%/năm, sẽ cần 60 tỷ USD đến năm 2025; nhu cầu xây mới, hoàn thiện các nhà ga, bến cảng, sân bay, đường bộ, đường sắt… sẽ "ngốn" khoảng 139 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Dự báo, riêng ngân sách khó có thể gánh nổi nhu cầu về vốn đầu tư cho hạ tầng. Đó là căn nguyên để nhiều tổ chức tư vấn, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) ủng hộ sự hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng.
Trên thực tế, đến nay mới chỉ có một số ít nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án loại này bởi những quy định pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này thật sự chưa đủ. Gần đây, Nhà nước đã đưa ra dự thảo quy chế nhằm tạo điều kiện ban đầu cho phép khu vực tư nhân tham gia các dự án thuộc một số lĩnh vực như cầu đường, nhà máy điện…
Hiện thực hóa đầu tư tư nhân
Nguồn vốn còn trong dân, trong các công ty, DN tư nhân được đánh giá là khá dồi dào và có thể được huy động, sử dụng hiệu quả nếu có chính sách, cơ chế cụ thể. Một số chuyên gia cho rằng, trước mắt cần sớm thành lập một cơ quan chức năng chuyên trách tiếp nhận và giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu tham gia đầu tư dự án của DN. Qua đó, cơ quan này sẽ đảm nhận việc đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hỗ trợ DN, thậm chí tư vấn, hướng dẫn và đưa ra những "đề bài" cụ thể phù hợp với năng lực của từng DN nhằm dung hòa các lợi ích công - tư.
Từ hoàn cảnh và thực tiễn trên, các DN hy vọng và đề xuất Chính phủ nên xem xét tổ chức đấu thầu những dự án thí điểm và đơn giản để làm quen và xử lý tình huống cũng như nâng cao trình độ quản lý. Chính phủ sẽ từng bước thiết lập khung pháp lý cho việc hợp tác công - tư, tiếp tục khuyến khích đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, tạo niềm tin và sự quyết tâm trong đầu tư, kinh doanh của cộng đồng DN. Vấn đề mấu chốt là làm sao tạo ra môi trường, điều kiện bình đẳng, dung hòa lợi ích giữa Nhà nước, xã hội và DN để huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân có hiệu quả. Trong đó, cần thí điểm từng bước, đối với từng lĩnh vực cụ thể, tránh hiện tượng "bỏ trứng vào một giỏ" để đúc kết kinh nghiệm, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế, cách làm, chờ khi "chín" sẽ triển khai đại trà.
Các nhà quản lý và DN dự báo, một khi cơ chế, quy định và định hướng của Chính phủ được đưa ra một cách hợp lý, lượng vốn huy động cho đầu tư xây dựng hạ tầng có thể lên tới hàng tỷ USD trong tương lai gần cho những dự án thuộc lĩnh vực thủy điện, đường bộ, khai thác - cấp - thoát nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.