(HNM) - Hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững là những hoạt động cần thiết, nhằm cụ thể hóa đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển bền vững của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, ngoài việc phát triển các sản phẩm, làng nghề đã đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn. Việc này đã mang đến cho làng nghề một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Hà Nội về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất tại làng Vạn Phúc thường xuyên, chủ động học hỏi, tiếp cận với công nghệ 4.0 để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài nước.
Cũng theo ông Hà, nhằm phát huy thế mạnh của làng nghề, cần hợp tác liên kết nhiều làng nghề với nhau để phát triển được các tour du lịch làng nghề nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút khách du lịch và liên kết trao đổi sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm lụa của làng lụa Vạn Phúc có thể liên kết với các đơn vị sản xuất áo, quà tặng… Đây là một giải pháp hiệu quả giúp tiêu thụ sản phẩm trong nước và còn có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho rằng, nếu có sự liên kết phát triển sản phẩm giữa các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì hiệu quả sẽ cao hơn. Từ đó, vùng nguyên liệu tập trung (vải, gỗ, tre, nứa, song mây, nguyên liệu gốm...) phải được xây dựng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau. Hiệp hội làng nghề tại các địa phương là tổ chức có thể động viên, tập hợp hội viên thực hiện có hiệu quả quá trình hợp tác để có đóng góp tích cực trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Hơn nữa, để sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, cần tập trung xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
Ở vị trí doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức đề xuất, để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cần tăng cường liên kết các tour du lịch với các làng nghề, tổ chức các chương trình trải nghiệm cho du khách đến tham quan. Tích cực quảng bá hình ảnh, nét văn hóa của các làng nghề truyền thống đến với bạn bè trong nước và quốc tế...
Còn ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ các làng nghề về việc giữ nghề, nâng cao giá trị làng nghề. Thực tế, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho các làng nghề tham gia chương trình tôn vinh Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước công nhận. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang ấp ủ chương trình bán sản phẩm làng nghề theo công nghệ số tương tự như những bộ sưu tập nghệ thuật trên thế giới hiện nay.
Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trì rất nhiều chương trình chuỗi cung cấp, cung ứng hàng hóa và phân phối hàng hóa về sản phẩm làng nghề. Bộ Công Thương đã làm việc với các siêu thị lớn có những không gian rất rộng, vào mỗi dịp cuối tuần sẽ dành một khoảng không gian trưng bày nhằm giúp sản phẩm của các làng nghề tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.