(HNM) - Dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành giảm lãi suất, giãn nợ… hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế ưu đãi này cần phải đến đúng nơi, tránh trục lợi chính sách.
Mới đây, trong cuộc họp bàn về các giải pháp chống dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, để tín dụng ưu đãi là "liều thuốc bổ" đối với các doanh nghiệp thực sự cần, tránh trục lợi chính sách và nguy cơ lạm phát.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai nhiều gói tín dụng với tổng giá trị lên tới gần 300 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói tín dụng này do các ngân hàng thương mại chủ động tính toán, dựa theo năng lực tài chính cũng như thực tế của doanh nghiệp để áp dụng hỗ trợ. Ước tính, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn là 926.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng dư nợ. Bước đầu đã có 21.753 tỷ đồng được cơ cấu nợ. Các ngân hàng đã miễn, giảm lãi cho 8.000 khách hàng với hơn 350 tỷ đồng, xem xét miễn giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 180.000 tỷ đồng và tiếp tục hồ sơ cho vay mới với hơn 5.400 khách hàng với dư nợ 24.000 tỷ đồng.
Thực tế, hầu hết các ngân hàng đều cam kết cho vay với lãi suất giảm từ 0,5 đến 1%/năm so với mặt bằng lãi suất chung. Ngoài ra, xem xét giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với mức giảm 1 - 3%/năm; không tính lãi phạt, giảm phí dịch vụ... Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank giảm lãi suất trước để hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 trong lĩnh vực hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng, qua phân tích danh mục khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay TPBank giãn nợ cho khoảng 200 khách hàng, với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Ước tính tổng dư nợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng.
Phó Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Trọng Du cho biết, qua giám sát hầu hết gói hỗ trợ được ngân hàng ưu tiên cho khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, nghỉ dưỡng, dệt may, da giày, nông nghiệp - nông thôn, vận tải...
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, việc ngân hàng hỗ trợ tín dụng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên của nền kinh tế là hoàn toàn hợp lý, đúng mục tiêu vực dậy doanh nghiệp khó khăn, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát. Đồng thời, “sự cố” này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại hướng đi của mình, thay đổi tư duy, chú trọng phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.