Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp

Thanh Hải| 18/04/2021 06:20

(HNM) - Để ngành Công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, hiệu quả, thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thành phố Hà Nội đã, đang đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, nhiều dự án cụm công nghiệp chậm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng về tình hình và giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng.

Nhiều dự án cụm công nghiệp chậm tiến độ

- Phát triển công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp, cụm công nghiệp là con đường tất yếu trong xây dựng thành phố Hà Nội hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xin ông cho biết, hiện tình hình hoạt động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô như thế nào?

 - Thành phố Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên tổng diện tích gần 1.400ha, thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh và hằng năm nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong số các cụm công nghiệp đang hoạt động, đến nay có khoảng 16 cụm công nghiệp phát triển tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Còn lại 54 cụm công nghiệp vẫn cần phải hoàn thiện thêm nữa trong việc đồng bộ hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, cây xanh…

Các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố hiện nay được vận hành quản lý bởi doanh nghiệp và ban quản lý đầu tư xây dựng huyện. Đối với mô hình cụm công nghiệp do các ban quản lý đầu tư xây dựng huyện quản lý và vận hành đến nay đã bộc lộ một số khó khăn, tồn tại do công tác hành chính, thủ tục còn rườm rà; hoạt động của cụm công nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc bố trí nguồn vốn đầu tư, sửa chữa, duy tu cải tạo còn tốn nhiều thời gian vì phải lên dự toán, chờ nguồn vốn ngân sách. Trong khi đó, mô hình vận hành bởi doanh nghiệp đang phát huy được hiệu quả. Nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư đã mang lại sự hiện đại cho các cụm công nghiệp, từ vấn đề cây xanh, hạ tầng khu công nghiệp đến hệ thống xử lý nước thải… và đặc biệt đã mang lại nguồn thu bền vững cho đơn vị quản lý...

- Từ năm 2018 đến nay, thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập 43 cụm công nghiệp. Việc triển khai các quyết định này thực hiện ra sao, thưa ông?

- Từ năm 2018 đến 2020, Hà Nội đã có quyết định thành lập 43 cụm công nghiệp. Trong đó, năm 2020 có 25 cụm công nghiệp, tổng diện tích 497,4ha được thành lập, triển khai đầu tư khá thuận lợi do những vướng mắc về quy hoạch, đất đai đã được các sở, ngành tham mưu UBND thành phố giải quyết.

Tuy vậy, còn 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 261,99ha, được phê duyệt trong năm 2018-2019, đến nay chưa có cụm nào có quyết định giao đất, trong đó 6 cụm đã quá thời hạn theo tiến độ quy định. Qua kiểm tra, đánh giá khối lượng và mức độ phức tạp của các công việc còn lại, có thể thấy hầu hết các dự án này khó có thể hoàn thành đúng tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng sản xuất tại địa phương.     

- Vậy vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai nằm ở đâu, thưa ông?

- Những cụm công nghiệp được thành lập trong năm 2018-2019 là đợt đầu tiên thành phố triển khai theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Do vậy, có những lúng túng trong thực hiện các thủ tục liên quan đến lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Trên thực tế, mỗi dự án có những đặc thù riêng, đòi hỏi phải thực hiện các quy trình và thủ tục hành chính khác nhau, như: Dự án có đất trồng lúa hơn 10ha phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; dự án trên những khu đất nhỏ lẻ, không liền thửa... thì việc chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Cùng với đó, một số người dân có đất bị thu hồi để phục vụ dự án còn chưa đồng thuận gây khó khăn không nhỏ cho quá trình giải phóng mặt bằng. Mặt khác, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án...

- Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố và các cấp, ngành đã có những giải pháp gì?

- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp cụ thể; Sở Công Thương cùng các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Cụ thể, Sở Công Thương đã có nhiều văn bản đôn đốc UBND các huyện, chủ đầu tư các cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thiện thủ tục, công việc cần thiết; góp ý các quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khi có yêu cầu của UBND huyện; phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa; điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn.

Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp

- Ông có thể cho biết, đến nay kết quả xử lý vướng mắc như thế nào?

- Với sự nỗ lực của các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, đến nay quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của 14 cụm công nghiệp đã được UBND các huyện phê duyệt. 9 cụm công nghiệp hoàn thành công tác xác nhận bản đồ hiện trạng, cấp chỉ giới đường đỏ, đã lấy ý kiến cộng đồng, xin ý kiến góp ý của các sở, ngành và đang trình UBND huyện phê duyệt; 1 cụm đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, 7 cụm đã có quyết định phê duyệt; 7 cụm đã họp hội đồng thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt; 10 cụm đang lập đánh giá tác động môi trường.

Về phê duyệt dự án đầu tư, 10 cụm đã được chủ đầu tư phê duyệt; 14 cụm hoàn thành thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật: Cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, điện; đồng thời đã hoàn thành thẩm định thiết kế cơ sở… Về công tác giải phóng mặt bằng, có 10 cụm đã phê duyệt phương án đền bù, thành lập hội đồng, tổ công tác giải phóng mặt bằng và chi trả tiền cho các hộ dân. Đối với thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, có 1 cụm đã có thông báo thẩm định của Sở Xây dựng; 7 cụm đã trình Sở Xây dựng thẩm định...

- Được biết, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2021. Xin ông nói rõ hơn những định hướng phát triển thời gian tới?

- Ngày 17-3-2021, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND, về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2021. Theo đó, 100% cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại và được quản lý hoạt động. Đồng thời, 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020 sẽ được khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; trong đó, phấn đấu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp. Cụ thể, quý I-2021, khởi công xây dựng 1 cụm công nghiệp; quý II-2021, dự kiến khởi công xây dựng 23 cụm công nghiệp; quý III-2021, khởi công xây dựng 13 cụm công nghiệp và quý IV-2021, khởi công xây dựng 6 cụm công nghiệp còn lại.

Ngày 8-4-2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị đánh giá kết quả quý I triển khai nhiệm vụ quý II-2021 về phát triển cụm công nghiệp, trong đó rà soát toàn bộ tiến độ khởi công các dự án để giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư.

Cũng trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu xúc tiến, thu hút đầu tư thành lập mới 10-15 cụm công nghiệp. Để tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế Thủ đô, thành phố sẽ tổ chức rà soát quy hoạch; đồng thời lập phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.