(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa có chuyến công du Algeria nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và chia sẻ những
Tuy chỉ diễn ra chưa đầy 24 giờ nhưng chuyến công du của ông chủ Điện Élysée - với trọng tâm là cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Abdelaziz Bouteflika và Thủ tướng Abdelmalek Sellal - vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực cũng như quốc tế.
Tổng thống F.Hollande gặp người đồng cấp nước chủ nhà Abdelaziz Bouteflika. |
Đây là lần thứ hai ông F.Hollande thăm Algeria trên cương vị Tổng thống Pháp sau chuyến thăm đầu tiên vào tháng 12-2012. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm các phần tử thánh chiến bị cáo buộc cầm đầu vụ tấn công trả đũa sự can thiệp của Pháp ở Mali nhằm vào một nhà máy khí đốt ở Algeria năm 2013 làm 35 con tin thiệt mạng. Vì thế, trong phát biểu với báo giới tại thủ đô Algiers, Tổng thống F.Hollande thẳng thắn cho rằng, dù quá khứ có nhiều thăng trầm nhưng quan hệ giữa Pháp và Algeria vẫn là mối quan hệ "đặc biệt", dựa trên tình hữu nghị thực sự. Cho biết Pháp và Algeria đã bắt đầu một "cuộc chiến chung" nhằm chống lại kẻ thù nguy hiểm và không thể lường trước, Tổng thống F.Hollande bày tỏ mối quan ngại về sự hoành hành của các nhóm thánh chiến cực đoan ở Bắc Phi trong những năm gần đây.
Nhìn vào tiến trình lịch sử sẽ hiểu vì sao tình hình Mali lại trở thành tâm điểm trong chuyến công du chớp nhoáng lần này của Tổng thống F.Hollande. Quốc gia Tây Phi chỉ với 14 triệu dân đã rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra tháng 3-2012 khiến miền Bắc trở thành sào huyệt của phiến quân Tuareg, vốn là một nhánh khủng bố Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM). Có biên giới giáp với Mali, miền Bắc Algeria luôn bị đe dọa kể từ sau chiến dịch quân sự hồi năm 2013 do Pháp dẫn đầu nhằm vào các phần tử thánh chiến, hiện đang chiếm giữ hơn một nửa lãnh thổ Mali. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mali đã ký tắt thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, dưới sự giám sát của nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu. Song nhóm Tuareg đòi có thêm thời gian để tham vấn trước khi chính thức ký kết thỏa thuận hòa bình. Chính phủ Mali tuyên bố tiếp tục tin tưởng nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu để thỏa thuận hòa bình chính thức sớm được ký kết.
Ngoài vai trò trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình tại Mali, Algeria còn được Pháp chọn là một chiến tuyến trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như tiến trình hòa bình tại Libya. Trong cuộc gặp ba bên do Ai Cập chủ trì đầu tháng 6 vừa qua, Ai Cập, Italia và Algeria đã kêu gọi một giải pháp chính trị hòa bình tại Libya khi nhấn mạnh rằng sự ổn định tại quốc gia này sẽ giúp ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu đang gia tăng. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Phi, Liên minh Châu Phi và Liên đoàn Arab của Algeria Abdelkader Messahel đã nêu bật tầm quan trọng của một "giải pháp công bằng" giúp ổn định tình hình Libya; đồng thời khẳng định bất ổn tại quốc gia láng giềng này là vấn đề an ninh nghiêm trọng đối với Algeria.
Năm 2012, Tổng thống F.Hollande cũng đã tới Algeria đúng dịp Algeria kỷ niệm 50 năm ngày quốc gia này giành độc lập. Trong chuyến thăm, Tổng thống F.Hollande tuyên bố thừa nhận "nỗi thống khổ" mà nhân dân Algeria phải gánh chịu dưới chế độ thực dân trong 132 năm và cho rằng tình hữu nghị giữa hai nước chỉ có thể tồn tại "trên cơ sở sự thật". Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Pháp thừa nhận các vụ tàn sát quy mô lớn tại Algeria và nỗi thống khổ của người dân nước này dưới chế độ thực dân.
Algeria hiện là nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng đối với Pháp, là đối tác thương mại hàng đầu của Paris tại Châu Phi. Tuy nhiên, sự hiện diện của các doanh nghiệp Pháp trên thị trường Algeria đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha và Italia. Trên tinh thần những thỏa thuận đã đạt được trong chuyến công du đầu tiên năm 2012, sự trở lại của Tổng thống F.Hollande được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới trong quan hệ hai nước, đặc biệt là hợp tác kinh tế khi năm 2014 vừa qua kim ngạch thương mại song phương đã đạt hơn 10 tỷ euro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.