Khoa học - Công nghệ

Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Tin và ảnh Thu Hằng 15/01/2025 - 13:03

Ngày 15-1, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tọa đàm “Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động sở hữu trí tuệ”.

5a.jpg
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long trao đổi tại buổi tọa đàm

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long, cho biết, thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và các địa phương.

Năm 2024, mặc dù bị tác động bởi sự thay đổi về cơ chế tài chính, Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực, phấn đấu triển khai các công việc trên các mặt công tác và đã đạt được những kết quả nổi bật. Đặc biệt, kết quả tiếp nhận và xử lý đơn sở hữu công nghiệp đạt cao nhất từ trước đến nay. Cục đã tiếp nhận 151.489 đơn các loại (tăng 2,2% so với năm 2023); xử lý được đơn 140.497 đơn các loại (tăng 17,5% so với cùng kỳ 2023). Cục cấp 51.437 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (tăng 46%).

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai rà soát để sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các Quy chế thẩm định đơn sở hữu công nghiệp, triển khai xây dựng pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với đề mục sở hữu trí tuệ và hoàn thành việc rà soát, sửa đổi và ban hành các mẫu văn bản xử lý đơn sở hữu công nghiệp theo quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (tổng cộng 282 mẫu văn bản)...

Cục Sở hữu trí tuệ cũng tham gia góp ý kiến cho 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành, gồm: 4 Luật, 15 Nghị định, 10 Thông tư, 9 Chương trình, Quyết định có nội dung về sở hữu trí tuệ; thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về/liên quan đến sở hữu trí tuệ và kiến nghị xử lý vướng mắc, xử lý hiệu lực. Cục cũng thường xuyên hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng trong thực tiễn áp dụng pháp luật...

1(2).jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ trong năm 2024 vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định, cụ thể: Tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chậm so với kế hoạch đề ra; tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng do kết quả xử lý đơn thấp hơn so với số lượng đơn nhận được; thời gian xử lý, giải quyết đơn sở hữu công nghiệp dài hơn so với quy định; việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công còn nhiều hạn chế...

Trong năm 2025, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị; tiếp tục hoàn thiện Đề án kiện toàn các đơn vị và nhân lực thuộc Cục theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và có cơ chế khuyến khích người lao động...

Bên cạnh đó, Cục sẽ xây dựng, triển khai Kế hoạch xử lý đơn sở hữu công nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, hướng đến hết năm 2026 đưa thời gian thẩm định đơn về đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát để cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động của Cục.

Cục cũng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về công tác phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài và các Chương trình quốc gia khác...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.