(HNM) - Văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Vậy thực trạng vấn đề này ra sao? Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với niềm tin xã hội là gì? Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về những nội dung này.
PGS. TS Lê Quốc Lý. |
Nhân tố quyết định sự phát triển bền vững
- Thưa Phó giáo sư, ông đánh giá thế nào về vai trò của văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội?
- Sự phát triển, xét cho cùng là sự phát triển con người, là sự phát triển vì con người, vì hạnh phúc của con người. Cùng với kinh tế, văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội tạo thành những nguồn lực vô cùng quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Thực tế chỉ ra rằng, một xã hội giàu niềm tin, có sự liên kết cộng đồng chặt chẽ sẽ giúp hài hòa các xung đột (nếu có), đặc biệt là dễ vượt qua khủng hoảng kinh tế hơn là xã hội nghèo niềm tin và liên kết cộng đồng lỏng lẻo. Một xã hội mà văn hóa suy thoái, khủng hoảng đạo đức và niềm tin xã hội thì dù kinh tế có tăng trưởng cũng không thể đạt được các mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.
Xét về phương diện thể chế, văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội mạnh sẽ góp phần hình thành và thúc đẩy khả năng thực thi của các khế ước xã hội, giảm thiểu tham nhũng, minh bạch hóa các quyết định của Nhà nước, tăng mức uy tín của cán bộ, công chức và gia tăng hiệu quả của bộ máy nhà nước.
- Việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã khiến xuất hiện những mặt trái, tiêu cực, theo ông cần phải quan tâm gì tới văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội?
- Chúng ta đều thấy rằng, văn hóa Việt Nam đã có thêm những sức mạnh mới nhờ quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu vào đời sống quốc tế. Chẳng hạn, tính dân chủ trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá và thụ hưởng các giá trị văn hóa ngày càng tăng. Nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa tổ hợp thành những ngành kinh tế mũi nhọn vừa đóng góp cho sự phát triển, vừa phục vụ lợi ích xã hội và đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Văn hóa Việt Nam có điều kiện giao lưu quốc tế, văn hóa vùng miền có điều kiện học hỏi lẫn nhau. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân...
Tuy nhiên, quá trình đó cũng có những mặt trái tiêu cực, nguy cơ cản trở quá trình phát triển văn hóa Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “So với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ tầm để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường lành mạnh. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục...”.
- Ông có thể nói rõ hơn về những mặt trái đáng lo ngại đối với văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội hiện nay?
- Tình trạng chạy theo lợi nhuận thuần túy, coi nhẹ chức năng xã hội của văn hóa dẫn đến xuất hiện hàng loạt những sản phẩm văn hóa kém chất lượng trên thị trường. Sự phát triển của internet, điện thoại thông minh khiến việc du nhập các sản phẩm văn hóa từ thế giới vào đời sống xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân trở nên dễ dàng, xô bồ, phức tạp và khó “lọc”, khó kiểm soát hơn bao giờ hết. Bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một. Văn hóa ứng xử trong gia đình, nhà trường, xã hội có nguy cơ xuống cấp.
Những mối quan hệ rường cột trong xã hội như vợ - chồng, anh - em, cha mẹ - con cái, thầy - trò... có những biểu hiện rạn vỡ. Những biểu hiện phản văn hóa, phản giá trị diễn ra khắp nơi, kể cả những môi trường vốn được xem là chuẩn mực như ngành giáo dục, y tế... Bạo lực học đường, chống người thi hành công vụ, trò đánh thầy, phụ huynh làm nhục giáo viên, bạo hành trẻ em... trở thành vấn đề nhức nhối.
Sự suy thoái đạo đức diễn ra trong mọi không gian xã hội từ nhà, làng đến nước với các cấp độ khác nhau; ở nhiều chủ thể từ cán bộ có chức có quyền đến người dân thường... Không ít cán bộ nhà nước lợi dụng chức quyền để trục lợi. Tình trạng tham nhũng với những vụ “đại án” liên quan đến cả cán bộ cấp cao khiến niềm tin xã hội vào bộ máy công quyền bị giảm sút nghiêm trọng.
Trong khi đó, nhận thức về vai trò của văn hóa chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầy đủ. Việc phát huy vai trò của văn hóa trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại còn nhiều bất cập. Công tác giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như hệ thống giáo dục ngoài nhà trường còn nhiều yếu kém...
- Nguy cơ mà tình trạng này gây ra là gì? Mức độ nghiêm trọng ra sao?
- Sự suy giảm về văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội không chỉ làm phương hại đến lĩnh vực văn hóa của đất nước mà còn làm suy yếu hệ thống chính trị, làm giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng xấu đến sự vận hành của bộ máy công quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế, đe dọa đến quốc phòng, an ninh. Sự suy giảm này còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách con người cá nhân và xã hội.
Chúng ta cần phải thấy rằng, không thể có sự phát triển bền vững đất nước nếu như không có một nền tảng tinh thần lành mạnh dựa trên những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức và niềm tin xã hội. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng có thành công hay không cũng phụ thuộc nhiều vào xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa trong Đảng, đạo đức của cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Vị trí càng cao, sức lan tỏa phải càng lớn
- Một số nhà nghiên cứu, quản lý, các phương tiện truyền thông đại chúng đã lên tiếng về sự khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng đạo đức và niềm tin xã hội. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, chưa cần trả lời cụ thể câu hỏi, khi nội dung này được đặt ra đã có nghĩa là văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội đang có vấn đề và chiều hướng là xấu. Yêu cầu đối với chúng ta là phải đi sâu điều tra, phân tích, đánh giá thực tế để chỉ ra có khủng hoảng hay không? Mức độ ra sao? Rơi vào lĩnh vực nào? Tập trung ở khu vực hay đối tượng đặc thù như thế nào?... Từ đó, quan trọng là phải tìm ra các giải pháp để tăng cường phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức và bồi đắp niềm tin xã hội; nhất là phải thực hiện các giải pháp một cách kịp thời, hiệu quả.
- Vậy giải pháp cho vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Không chỉ riêng tôi, thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp hay. Chúng ta có thể thấy, niềm tin xã hội tỷ lệ thuận với niềm tin của nhóm tinh hoa xã hội trong đó có đội ngũ trí thức, người làm báo; tỷ lệ thuận với mức sống của người dân, với tự do dân chủ và kết quả phòng, chống tham nhũng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Nhưng tỷ lệ nghịch với mức thuế, bất bình đẳng xã hội và những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những người có chức, có quyền... Từ đây ta có thể nhìn thấy rõ giải pháp để bồi đắp niềm tin xã hội, xây dựng đạo đức và phát triển văn hóa...
Kết quả phòng, chống tham nhũng và siết chặt kỷ cương, kỷ luật theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa qua đã “làm nóng”, nhân lên lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Do đó, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng hiện nay để củng cố niềm tin xã hội.
Nhìn chung, để phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức và bồi đắp niềm tin xã hội đòi hỏi những giải pháp đồng bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
- Vậy trách nhiệm của cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ đối với niềm tin xã hội là gì?
- Bác Hồ từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng có sức lan tỏa tích cực, giúp củng cố niềm tin xã hội. Cán bộ, đảng viên có vị trí, chức vụ càng cao, sức lan tỏa phải càng lớn. Do đó, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung có ý nghĩa quan trọng, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vì vậy, chúng ta phải tập trung xây dựng văn hóa trong Đảng, thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.