Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch

Thu Trang| 10/05/2021 06:19

(HNM) - Đợt dịch xuất hiện lần này (đợt thứ tư) tại nước ta được ngành Y tế đánh giá là phức tạp, bởi có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa biến chủng, gồm cả biến chủng vi rút của Ấn Độ và Anh, nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do đó, siết chặt cách ly người nhập cảnh, nâng công suất xét nghiệm và nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất tại các bệnh viện là các biện pháp mà nước ta đang đẩy mạnh tại thời điểm này.

Nhân viên an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện nghiêm túc các khâu kiểm tra hành khách trước khi ra máy bay. Ảnh: Viết Thành

Những bài học đắt giá

Từ ngày 27-4 đến nay, đã xảy ra 3 trường hợp người nhập cảnh hoàn thành 14 ngày cách ly, kết quả xét nghiệm 2-3 lần âm tính, nhưng khi trở về nơi cư trú lại có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hậu quả là dịch đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố, với sự tồn tại của hai chủng vi rút biến thể của Anh và Ấn Độ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định, các quy định về cách ly tập trung của Việt Nam đều rất chặt chẽ, nhưng việc tuân thủ chưa được thực hiện nghiêm, chỉ cần buông lỏng một khâu dù nhỏ nhất cũng có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.

PGS.TS Trần Đắc Phu dẫn chứng, khách sạn Như Nguyệt 2 (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) - nơi thực hiện cách ly hai đoàn chuyên gia Ấn Độ và chuyên gia Trung Quốc cùng thời điểm. Kết quả giải trình tự gene cho thấy, chuyên gia Ấn Độ nhiễm chủng vi rút biến thể B.1.617.2 của Ấn Độ, đã lây nhiễm sang nhân viên khách sạn. Giải trình tự gene các ca mắc ở tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đến chuyên gia Trung Quốc từng cách ly tại khách sạn trên cũng cho thấy nhiễm biến chủng của Ấn Độ. Như vậy, hai trường hợp này cho thấy rõ có mối liên hệ với nhau. Hơn nữa, việc quản lý, tổ chức cách ly ở khách sạn Như Nguyệt 2 “có vấn đề”, chưa tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.

Không chỉ lây lan từ người nhập cảnh ra cộng đồng mà nguy hiểm hơn, dịch đã xâm nhập vào nhiều bệnh viện. Chỉ trong hơn một tuần (từ ngày 29-4 đến 8-5) đã có tới 9 bệnh viện tại 6 tỉnh, thành phố phải tạm thời cách ly y tế, dừng hoạt động vì phát hiện hàng loạt ca dương tính là nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Đặc biệt, trong số này có hai bệnh viện tuyến trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (được coi là “thành trì” khu vực phía Bắc về phòng, chống dịch Covid-19) và Bệnh viện K (cơ sở đầu ngành về điều trị bệnh nhân ung thư - nhóm bệnh nhân được cho là yếu thế nhất, nếu không may mắc Covid-19). Từ các bệnh viện này, nguy cơ dịch lan rộng ra hệ thống các bệnh viện và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã hiện hữu.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) giải thích, nguồn lây của các bệnh viện là từ bệnh nhân ngoài cộng đồng đến khám, từ một số ca bệnh chuyển tuyến và một số trường hợp chưa xác định được... Đồng thời, cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều so với các cơ sở y tế ở địa phương.

Điểm lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: Nhật Nam

Quyết tâm không để lọt ca bệnh

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương Nguyễn Viết Nhung cho rằng, chất lượng lấy mẫu là nhân tố quan trọng nhất để phát hiện ca bệnh. Nếu việc lấy mẫu không chuẩn, người lấy mẫu không được đào tạo chuẩn sẽ để lọt ca bệnh. Do đó, việc Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu thủ trưởng các cơ sở y tế tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm; mở rộng diện lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc ở những khu vực có nguy cơ cao… là một giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Trên địa bàn Hà Nội, cùng với việc nâng mức cảnh báo chống dịch lên mức cao nhất tại các bệnh viện, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đề nghị người dân tự giác khai báo y tế để có căn cứ triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. "Các bệnh viện phải tăng cường năng lực và chất lượng xét nghiệm như chỉ đạo của Bộ Y tế,chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn… Với các ca F0 được phát hiện, các quận, huyện, thị xã khẩn trương trong thực hiện khoanh vùng, truy vết, không bỏ lọt F1, F2”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cần tăng cường chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly, xem xét lại năng lực, trình độ của người quản lý, lực lượng phục vụ tại khu cách ly dân sự. Để làm được điều đó, các địa phương cần chấn chỉnh kịp thời, đồng thời tổ chức tập huấn lại cho các nhân viên, quản lý cơ sở cách ly.

Nhận định thời gian tới, việc kiểm soát dịch khó khăn hơn trước, do có thể xuất hiện thêm ổ dịch, nguồn lây chưa biết, chưa kiểm soát được, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, các địa phương cần chủ động nâng cao năng lực, công suất xét nghiệm. Đặc biệt, cần chú trọng tầm soát định kỳ, thường xuyên với các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao, vì chỉ khi tăng cường xét nghiệm mới không để lọt các ca bệnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.