(HNM) - Làm rõ nguyên nhân, tìm các biện pháp đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với nạn khai thác cát, sỏi trái phép là nội dung chính của cuộc họp giữa lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tình hình khai thác cát, sỏi, tổ chức ngày 3-4, tại trụ sở Chính phủ.
Bổ sung chế tài đủ sức răn đe, cùng sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương là giải pháp ngăn chặn nạn khai thác cát, sỏi trái phép. Ảnh: Cao Hùng |
“Cát tặc” lại hoành hành
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị. Về phía thành phố Hà Nội, dự họp có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép. Song tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, tình hình khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, cửa biển lại diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi hơn.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 659 vụ/426 đối tượng khai thác cát trái phép và tập kết kinh doanh cát trái phép ở 14 địa phương. Tuy nhiên, chỉ có 2 vụ trong số đó (ở Thanh Hóa và Đồng Nai) bị khởi tố hình sự.
Qua 2 đợt cao điểm đấu tranh, xử lý tội phạm của công an các tỉnh, thành phố cả nước thời gian qua cũng cho thấy, lực lượng chức năng đã kiểm tra tới 13.610 vụ/4.286 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết cát và an toàn giao thông đường thủy, xử phạt 69,6 tỷ đồng, nhưng việc xử lý hình sự rất hạn chế. Chỉ có 7 vụ/7 bị can bị khởi tố về hành vi “vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.
Không chủ quan, xử lý nghiêm vi phạm
Một điểm khai thác và tập kết cát có phép được quản lý, giám sát chặt chẽ. Ảnh: Bá Hoạt |
Thừa nhận tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép phức tạp tại địa bàn, thậm chí có cả vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy lý giải, do nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi chưa có vật liệu mới thay thế cát, sỏi nên việc khai thác từ tự nhiên vẫn diễn ra. Trong khi đó, cơ chế phối hợp quản lý chưa chặt chẽ. Thậm chí, ngay cả các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản cũng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng để khai thác ngoài diện tích cấp phép.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Hà Nội là địa bàn tiêu thụ cát lớn, nhưng các mỏ cát được cấp phép khai thác trước đây không đủ, nên tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn.
Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa các xã, giữa các huyện thường bị đối tượng vi phạm lợi dụng, đưa tàu đến hút trộm cát. Khi lực lượng chức năng bên này xuất hiện, đối tượng vi phạm bỏ chạy sang địa bàn bên kia và ngược lại.
Ở góc nhìn khác, đại diện Bộ Công an cho rằng, nạn khai thác cát, sỏi diễn biến nghiêm trọng một phần do việc xử phạt đang gặp nhiều khó khăn. Bất cập đầu tiên là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Nhiều khi lực lượng chức năng kiểm tra lại không thể xử lý do thiếu văn bản pháp lý để xác định khối lượng, phạm vi vi phạm.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xác định thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng hoặc giá trị tang vật cát, sỏi trên 500 triệu đồng. Vì vậy hiện nay, hầu hết các vụ khai thác cát, sỏi trái phép khi phát hiện không đủ định lượng trong một lần vi phạm để khởi tố hình sự.
Với nạn khai thác cát, sỏi trái phép đang diễn ra ở nhiều khu vực giáp ranh, Bộ Công an đề xuất, sẽ xây dựng quy chế phối hợp để tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm theo nguyên tắc phân cấp triệt để. Theo đó, nếu xảy ra vi phạm ở địa bàn giáp ranh xã thì cấp huyện chịu trách nhiệm, ở địa bàn giáp ranh huyện thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm và nếu là giáp ranh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hai địa phương phải chủ động phối hợp xử lý.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ, hành vi khai thác cát, sỏi vi phạm pháp luật của các đối tượng đã gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, nhiều nơi khai thác cát, sỏi trái phép còn làm sụp đổ công trình, gây hậu quả chết người. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, người dân có nơi không biết dựa vào đâu mà phải tự tổ chức bảo vệ bờ sông, đấu tranh chống “cát tặc”. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang gây thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, thiệt hại hoa màu, mất an ninh, trật tự xã hội.
"Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng cát và đem lại nguồn thu cao nên tình hình khai thác cát sỏi trái phép bùng phát trở lại, có nơi còn công khai, lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Dư luận xã hội bức xúc và có thông tin về việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương; có dấu hiệu bao che, nơi xử lý, nơi không" - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận xét.
Về giải pháp thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công an cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm xử lý nghiêm hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là thành phố Hà Nội không chủ quan trước tệ nạn này; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, với những giải pháp đồng bộ từ lập quy hoạch khai thác, nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát, sỏi… đến tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, bổ sung, sửa đổi quy định để khởi tố hình sự những vụ việc vi phạm nghiêm trọng… Các giải pháp khá rõ, vấn đề là các ngành, địa phương phải tập trung, quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép một cách căn cơ.
"Đặc biệt, trường hợp phát hiện cán bộ có hành vi bao che, bảo kê, tùy tính chất, mức độ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Phó Thủ tướng lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.