Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy con làm quen với tiền theo cách của các chuyên gia

Theo Kim Kim/Vnexpress| 16/06/2015 14:32

Các cụ ngày xưa không thích dạy trẻ sớm về tiền và giá trị đồng tiền, nhưng cha mẹ hiện đại lại khác.

Chuyên gia giáo dục kỹ năng cho trẻ, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội dạy con làm quen với tiền từ khi con học mầm non. Đầu tiên, chị làm những tờ tiền đồ chơi cho con bằng cách photocopy một mặt của tiền thật. Tiền mệnh giá lớn photo khổ giấy to, tiền nhỏ in trên khổ giấy nhỏ. Con đã chơi bán hàng với những đồng tiền đó. Sau một thời gian chơi bằng tiền photo, con chị dần quen với tiền và các mệnh giá tiền. Dù là tiền giả nhưng con cũng được mẹ hướng dẫn các giữ tiền và trân trọng nó. Chị hướng dẫn con làm một cái ví bằng giấy, dặn con giữ những tờ tiền photo phẳng phiu bằng cách cho vào ví. Kể cả khi chơi bán hàng, con chi hay thu tiền thì cũng nên cho vào ví. Tờ tiền đẹp thể hiện con là em bé biết giữ tiền.

Bé được trả một khoản tiền nhỏ khi làm việc nhà sẽ giúp bé hiểu giá trị của sức lao động.
Ảnh minh họa: Parentdish.


Đồng thời, chị cũng giao cho con việc mua hàng để con biết về tiền thật và cách tiêu tiền. Công việc đơn giản chỉ là mua gói muối, gói hạt tiêu ngay tại cửa hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu tiên con tự đi, mẹ đi đằng sau. Sau đó, mẹ đứng theo dõi từ đằng xa và cuối cùng kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà.

Vào tiểu học, chị sai con đi mua hàng ở quanh xóm nhiều hơn. Con cũng được phép vào siêu thị cùng bố mẹ với một khoản tiền nhỏ, con muốn mua gì thì mua. Lúc đó, bố mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con.

Khi con đã lên lớp 5, chị dạy con lập kế hoạch chi tiêu cho một khoản tiền lớn hơn. Bài toán là con có một khoản tiền dành cho một công việc nào đó, chị hay lấy việc mua sắm đồ dùng học tập đầu năm học để con thực hành. Khoản tiền đó mẹ vẫn giữ hộ con. Con lập kế hoạch mua sắm sao cho mua đủ đồ mà chất lượng và giá cả hợp lý.

Chị đưa con đến các siêu thị, cửa hàng để con khảo giá. Sau khi khảo xong, con tự tính toán và quyết định mua gì ở đâu. Số tiền mẹ đưa ra thường ít hơn số cần thiết một chút để con phải đau đầu tính toán. Chị hướng dẫn con lập bảng bằng giấy và tự tính toán sao cho phù hợp. Sau khi con đã có bảng chi tiêu rõ ràng, mẹ giao tiền cho con và cùng con đi mua.

Sau khi con đã biết lập kế hoạch chi tiêu, chị bắt đầu giao tiền cho con giữ. Chị thường cho con hẳn một khoản to để tiêu trong một tuần hoặc một tháng, chứ không cho vặt hàng ngày. Nếu con làm mất hay tiêu lẹm thì con sẽ phải chịu một hình phạt nào đó.

Vì thế, bé nhà chị luôn có ý thức tiết kiệm. Bé biết giữ gìn những phần thưởng nhận được cuối năm học, đó chính là những đồ dùng học tập cần thiết. Bé biết tự mua gạo, đỗ nấu xôi ăn sáng cho tiết kiệm. Bé cũng chịu khó khâu vá quần áo, khâu túi sách, làm đồ handmande tặng sinh nhật bạn.... để đỡ tốn tiền mua. Con gái chị cũng chăm dọn dẹp nhà cửa, lấy phế liệu đi bán đồng nát gây quỹ cho chính mình. Chị nhận thấy từ khi giao việc chi tiêu cho con, bé tuyệt đối không hoang phí và rất biết quý trọng sức lao động. Bây giờ, con gái chuẩn bị vào lớp 10, là người lo công việc chợ búa cơm nước chính cho cả gia đình, để mẹ yên tâm đi công tác.

Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, lại dạy con làm quen với tiền và tiết kiệm tiền bằng cách chia sẻ với con về những chi tiêu của gia đình. Mỗi lần đóng tiền rác, tiền điện, tiền nước, chị đều nói cho con nghe về các khoản phí hằng tháng. Ban đầu, các con chỉ thấy đó là những con số, nhưng dần dà các con hiểu nếu sử dụng điện nước tiết kiệm, con số sẽ giảm xuống. Các con nhìn vào tiền cha mẹ đóng hàng tháng để điều chỉnh. Ví dụ, chỉ mở vòi nước nóng khi cần, cả nhà cùng ý thức trong việc tắt đèn, tắt nước, vừa tiết kiệm lại bảo vệ môi trường.

Mỗi khi mua sắm đồ mới, vợ chồng chị cũng không quên nói với các con về cách chi tiêu sao cho tiết kiệm và hợp lý. Đồ dùng học tập mua đầu năm học, quần áo cũng mua đầu năm học hay dịp Tết, đồ chơi chỉ mua vào những dịp nhất định chứ không phải cứ thích là mua... Các bé rất hào hứng với chương trình tiết kiệm của bố mẹ. Hai chị em bảo nhau giữ gìn cặp sách cẩn thận để 2-3 năm mới phải thay thế một lần, dùng chì màu đến khi cùn, mua những món đồ chơi mà cả hai có thể chơi chung...

Hai con hiện 13 và 7 tuổi được mẹ cho kiếm tiền bằng cách phân loại rác để bán phế liệu. Khi mẹ nhận việc thủ công về làm như gấp thiệp, dãn nhãn sách... các con cũng tham gia và được trả công. Tiền các con kiếm được một phần để theo mẹ làm từ thiện giúp đỡ các bạn khó khăn, một phần để các con tiêu vặt. Cả hai đều có ý thức không xin mẹ tiền tiêu.

Ngay từ lúc các con 4 tuổi, đi học các bạn hay hỏi nhau nhà giàu hay nhà nghèo, chị thường trả lời: “Nhà mình không giàu cũng không nghèo” để con không quá lo lắng khi có việc cần dùng đến tiền. Ở nhà chị, khi có việc cần dùng đến tiền, con đều nói với ba mẹ và vợ chồng thường cho ngay lúc đó, các con nhận tiền và cảm ơn luôn.

Chuyên gia tư vấn thương hiệu, truyền thông và marketing Nguyễn Vĩnh Cường, Giám đốc công ty An Hòa, quan niệm cho con sớm biết về tiền, giúp hiểu được giá trị của sức lao động chính là cách giúp con làm giàu sau này. Khi cậu con đầu lòng lên 8 tuổi, vợ chồng anh quyết định trả tiền cho mỗi công việc nhà con làm. Con được bố mẹ đưa cho một bảng giá chi tiết các việc cần làm và mức tiền được hưởng, ví dụ nấu ăn 3.000 đồng một lần, đổ rác 5.000 đồng một lần. Tất cả đều là những số tiền rất nhỏ, không có việc nhà nào con được trả đến 10.000 đồng. Tiền con kiếm được sau đó sẽ được bố mẹ hướng dẫn cách chi tiêu sao cho hợp lý: Một phần để tiêu vặt, một phần để tích góp mua những món đồ có giá trị lớn và một phần để đầu tư.

Hiện tại, hai đứa con lớn của anh đã được làm “kinh tế hộ gia đình”, cô con gái thứ ba khi nào vào tiểu học cũng được tham gia kiếm tiền cùng các anh chị. Nhà không bao giờ hết việc và bọn trẻ thi nhau làm.

Tuy nhiên, để con hiểu rằng làm việc nhà cũng là trách nhiệm của các con, vợ chồng anh luôn đề cao tình yêu thương trong gia đình, dạy các con yêu thương nhau và yêu thương cha mẹ. Vì thế các con cũng sẵn sàng việc nhà miễn phí, giúp đỡ bố mẹ nếu bố mẹ quên trả tiền.

Khi mua sắm đồ cho con, anh chị dẫn con đi theo. Bố mẹ chỉ có vai trò tư vấn còn con là người quyết định. Bé cũng được biết giá cả của món hàng. Cậu con cả của anh thường làm phép tính xem món hàng đó bằng bao nhiêu lần rửa bát, dọn nhà của mình. Bố mẹ cho con biết, với món hàng nhỏ như thế, con đã mất bao nhiêu công sức thì để mua những món hàng có giá trị lớn hơn, bố mẹ sẽ phải vất vả thế nào.

Không chỉ được tiếp xúc với tiền, cậu con lớn năm nay 10 tuổi còn được bố mẹ cho làm quen với “tín dụng”. Anh chàng thích mua một chiếc xe đạp nhưng không đủ tiền, xin bố ứng trước và sau đó trả dần bằng làm việc nhà.

Cậu bé hiện giờ có thể tự nấu món ăn đơn giản cho mình, đi chợ mua sắm một số món đồ đơn giản cho bố mẹ. Ngoài ra, cậu còn làm một số việc kiếm thêm tiền của người ngoài như vẽ tranh bán cho các bạn, đi đánh giày cho nhà hàng xóm khi cần món tiền lớn, thích đọc những sách về những người thành công như Warren Buffet hay các cuốn Tôi tài giỏi bạn cũng thế, Cha giàu cha nghèo...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dạy con làm quen với tiền theo cách của các chuyên gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.