(HNM) - Dự luật Thuế Môi trường mới nhất do Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) soạn thảo, xác định 5 nhóm mặt hàng phải nộp thuế môi trường, bao gồm: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp (túi ni lông), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Chiều 15-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế môi trường. Đáng chú ý, dự thảo xác định xăng dầu là sản phẩm chịu mức thuế cao nhất đến 4.000 đồng/lít. Vốn là mặt hàng thiết yếu, ngoài doanh nghiệp sản xuất thì hầu hết các gia đình đều phải sử dụng, ít nhất cũng để chạy xe máy. Thời gian qua, giá xăng dầu đã chịu nhiều sức ép từ việc tăng giá. Sự tăng, giảm giá thất thường, cộng với các yếu tố khách quan khác đã khiến cho mặt hàng này trở thành điểm nóng của dư luận. Mỗi lần xăng tăng giá là y như có nhiều mặt hàng khác tăng giá theo.
Nên, nếu áp thêm phí môi trường bằng khoảng ¼ giá thành hiện nay trên một lít xăng có thể khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên chót vót, vô hình trung sẽ gây áp lực hoặc trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng. Ngày trước, chúng ta đã từng thu phí cầu đường qua xăng dầu, nhưng rốt cuộc cũng đã phải thay đổi. Rồi một dạo ở TP Hồ Chí Minh, người ta cũng đã tính đến phương án thu phí lưu thông xe trong nội đô qua mặt hàng thiết yếu này. Nhưng rõ là chuyện không đơn giản như vậy.
Bình thường, cứ mỗi lần giá xăng tăng, dù mới ở mức cao nhất là dưới 2.000 đồng/lít thì hầu như dư luận lại được phen xôn xao. Giờ nếu bất ngờ giá tăng tới 4.000 đồng mỗi lít thì chắc chắn sẽ gây sốc. Về nguyên tắc, dư luận người dân sẽ đồng tình với việc thu phí chống ô nhiễm môi trường, nhưng ở mức nào là phù hợp? Hiện nay, trong giá xăng dầu đã bao gồm rất nhiều loại thuế, phí và chiếm tới 40% giá của một lít xăng, riêng phí là 1.000 đồng. Nếu cộng thêm khoản phí môi trường bằng ¼ giá thành nữa là chưa hợp lý.
Theo nguyên tắc kinh tế, mọi chi phí trên đầu sản phẩm, dù thế nào thì người tiêu dùng là đối tượng gánh chịu. Thêm thuế thì đương nhiên giá xăng, dầu, nhiên liệu sẽ tăng, khi đó nhà sản xuất sẽ phải tăng phí, người cuối cùng phải chịu sẽ là người tiêu dùng. Đó là chưa kể nếu người dân dùng xăng, dầu cho phương tiện thì họ còn phải chịu thêm khá nhiều các loại phí khác khi lưu thông. Chính vì thế họ hoàn toàn có lý do để lo ngại khi mỗi lít xăng phải gánh thêm tới 4.000 đồng phí môi trường.
Về mặt vĩ mô, việc thu phí này có tác động đến toàn xã hội và hầu hết các lĩnh vực sản xuất. Chính vì thế mà cần phải có nghiên cứu cụ thể, căn cứ vào mức thu nhập chung của người dân để xác định.
Rõ ràng việc thu phí môi trường qua giá xăng, dầu nghe có vẻ đơn giản và dường như đang được tính trên lợi thế cho nhà quản lý, ít mất công, chi phí xã hội thấp, song nó cũng thể hiện rõ sự đẩy cái khó cho người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.