Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau xương khớp, ''căn bệnh hành hạ'' trong mùa đông

Bảo Ngọc| 08/01/2023 06:50

(HNMCT) - Thời tiết lạnh có thể khởi phát hoặc làm tăng độ đau nhức ở các khớp trong cơ thể. Để công việc và sinh hoạt không bị ảnh hưởng bởi cơn đau nhức xương khớp trong những ngày đông lạnh giá, mọi người cần chăm sóc và bảo vệ xương khớp đúng cách.

Người cao tuổi, người mắc các bệnh xương khớp hay chấn thương thường bị các cơn đau nhức hành hạ vào mùa đông.

Nguyên nhân đau nhức xương khớp vào mùa lạnh

Nhiều người cao tuổi, người mắc các bệnh xương khớp hay chấn thương thường bị các cơn đau nhức hành hạ vào những ngày lạnh cuối năm.

Đau nhức, thoái hóa xương khớp là các triệu chứng và bệnh lý khá thường gặp, đặc biệt là ở người trung hoặc cao tuổi. Phần lớn bệnh nhân xương khớp cho biết, tình trạng bệnh, đặc biệt là triệu chứng đau nhức, tê mỏi thường nghiêm trọng hơn khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, ví dụ như mưa lạnh, thời tiết chuyển mùa, lạnh vào ban đêm và sáng sớm...

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của những cơn đau xương khớp có thể do sự thay đổi áp suất không khí vào mùa đông; các mô, gân, khớp bị tổn thương có thể co lại hoặc căng ra tùy theo độ ẩm không khí và nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông.

Trời lạnh làm chậm quá trình tuần hoàn toàn cơ thể, nhất là ở các vị trí khớp, vận mạch..., gây đau nhức xương khớp. Các khớp trên cơ thể như khớp hông, đầu gối, bàn chân, mắt cá, bàn tay và vai đều có chất hoạt dịch để bôi trơn khớp. Độ ẩm và nhiệt độ thấp vào mùa đông có thể khiến chất nhầy hoạt dịch trở nên dính hơn, độ bôi trơn giảm và tăng ma sát ở khớp. Khi gặp áp lực do vận động hay nâng đỡ trọng lượng cơ thể, các khớp sẽ nhạy cảm hơn và gây đau.

Nhiệt độ thấp khiến các dây thần kinh ở khớp gối nhạy cảm hơn, đặc biệt là ở người từng trải qua phẫu thuật chỉnh hình đầu gối. Vì vậy, vào mùa đông, chỉ cần một tác động ngoại lực nhỏ cũng khiến đầu gối cảm thấy đau nhức hơn bình thường.

Ngoài ra, vào mùa lạnh, việc tập luyện giảm đi, khiến các khớp không được vận động thường xuyên, máu lưu thông kém. Đây cũng là yếu tố thuận lợi khiến bệnh xương khớp tiến triển nặng thêm.

Không nên tự ý dùng thuốc giảm đau

Bà Nguyễn Thị Lợi (65 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã bị bệnh đau khớp gối hành hạ suốt 2 năm nay. Vào mùa đông, những cơn đau khớp càng dữ dội. Tình trạng đau kéo dài nhưng không đến khám tại bệnh viện mà tự sử dụng thuốc giảm đau, dùng các loại thuốc lá đun lên để tự chữa bệnh khiến bệnh càng nặng hơn, các khớp gối sưng to, đau nhiều hơn”.

Nhiều người bệnh khi bị sưng khớp thường chủ quan, không đến cơ sở y tế khám sớm hoặc không khám đúng chuyên khoa nội cơ xương khớp. Bên cạnh đó, có một số bệnh nhân đã được điều trị đúng, tình trạng bệnh cải thiện thì lại tự ý ngưng thuốc nên bệnh bùng phát trở lại, nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Mai Thị Thanh Tâm, nguyên Phó Trưởng khoa Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện E cho biết, khi thời tiết thay đổi, các cơn đau khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân khớp không được tùy tiện dùng thuốc giảm đau hay sử dụng một đơn thuốc cho nhiều lần. Họ nên đi khám sớm để bệnh không nặng hơn, dẫn đến các biến chứng phức tạp như khớp sưng vù, biến dạng, cứng khớp, mọc gai xương...

Trong các bệnh về khớp, thoái hóa khớp hiện là bệnh thường gặp nhất, xảy ra khi lớp sụn bao bọc ở hai đầu xương bị bào mòn và hư tổn. Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động.

Khi sụn bị bào mòn, làm trơ ra đầu xương lồi lõm sẽ gây đau, đặc biệt khi người bệnh lao động nặng, cúi người nhiều hoặc khi thời tiết trở lạnh... Lúc mới bị bệnh, cơn đau chỉ thoáng qua, nhưng càng về sau bệnh diễn tiến nặng hơn với các triệu chứng như sưng khớp, biến dạng khớp, viêm hoặc đau bắp cơ xung quanh, thậm chí phát ra các tiếng lạo xạo khi vận động.

Để phòng ngừa bệnh khớp, tránh bị tàn phá âm thầm, cần kiểm soát cân nặng, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, vận động, ăn uống phù hợp. Một trong những cách tốt để giảm đau khớp vào mùa lạnh là thường xuyên vận động. Vì nếu chúng ta để khớp cố định ở một vị trí quá lâu như ngồi, nằm hoặc đứng thì các khớp sẽ cứng lại, dễ gây đau.

Ban đầu, việc vận động, co duỗi khớp có thể gây khó chịu, thậm chí là đau đớn. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường. Cơn đau sẽ giảm theo thời gian nếu chúng ta bắt đầu với các động tác chậm và nhẹ nhàng như co duỗi khớp. Ngoài ra, tắm hoặc chườm nước nóng lên khớp cũng có thể giúp giảm đau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau xương khớp, ''căn bệnh hành hạ'' trong mùa đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.