Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư xây dựng mới các công viên tại Hà Nội: Tập trung gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

Dạ Khánh| 04/10/2022 06:08

(HNM) - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên hiện có, Hà Nội cũng triển khai xây dựng mới các công viên theo quy hoạch để phục vụ nhân dân. Trong đó, thành phố xác định tập trung phối hợp, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa CV1 (quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm) dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2022. Ảnh: Yên Khánh

Nhiều dự án chậm triển khai

Thông tin về tình hình triển khai 6 dự án công viên mới, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cả 6 dự án đều trong tình trạng chậm triển khai do tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông đến nay vẫn chưa lựa chọn chủ đầu tư. Dự án Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh) và Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy) vẫn đang thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trong 3 dự án đã khởi công xây dựng, có khả năng hoàn thành sớm nhất là Công viên hồ điều hòa CV1 (quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm). Đến nay, gói thầu thi công xây dựng đạt 92% khối lượng. 

Dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2022, song hiện vẫn còn 1.364m2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, dự án Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (huyện Thanh Trì) mới hoàn thành 80% khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, như: Đường giao thông, bãi đỗ xe, trồng cây theo tuyến đường, đường dạo, hệ thống thoát nước, chiếu sáng... Dự án này đến nay vẫn vướng 5% diện tích đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Tương tự, dự án Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân) khởi công năm 2016, dự kiến hoàn thành quý IV-2024, hiện đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa, làm đường dạo, rào chắn, trồng cây xanh...

Theo Sở Xây dựng, giải phóng mặt bằng tại các dự án gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: Vướng đất nghĩa trang (3 dự án); phải điều chỉnh quy hoạch hay tạm dừng vì cơ quan chức năng đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch có liên quan (2 dự án). Việc kết nối hạ tầng dự án (giao thông, thoát nước) với hạ tầng xung quanh gặp cản trở do các dự án hạ tầng tiếp giáp chưa thi công lối mở, lối vào công viên. Ngoài ra, dự án Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An còn gặp khó trong thực hiện tiểu dự án đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc tượng đài, nhà tưởng niệm (dự kiến khoảng 130 tỷ đồng) do chưa kêu gọi được đầu tư...

Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân) hiện đã đạt khoảng 80% hạng mục xây dựng. Ảnh: Yên Khánh

Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

Trước đây, các công viên cây xanh chủ yếu phục vụ công ích, Nhà nước đầu tư xây dựng, duy trì, phục vụ nhân dân không thu phí. Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư nên HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 khuyến khích đầu tư công viên theo hình thức xã hội hóa, vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để ưu đãi với nhà đầu tư (đất đai, thuế, phí, kinh doanh dịch vụ). Song theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, việc đầu tư công viên có vốn rất lớn. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng (mật độ xây dựng 5%) để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên để phục vụ nhân dân, nên chưa thu hút nhà đầu tư quan tâm.

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 3102/QĐ-UBND ngày 29-8-2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc việc triển khai đầu tư. Tại báo cáo gửi UBND thành phố mới đây, Sở Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, cũng như đề xuất UBND thành phố các giải pháp cụ thể đối với từng dự án.

Với Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Sở Xây dựng đề xuất chuyển sang đầu tư công, sử dụng ngân sách thành phố bố trí một phần chi phí chuẩn bị đầu tư và ngân sách huyện Thanh Trì để xây dựng các công trình kiến trúc tượng đài, nhà tưởng niệm. Với Công viên hồ điều hòa Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy chủ động phối hợp các sở, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, đôn đốc đơn vị trúng thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Công ty TNHH VNT - chủ đầu tư dự án, chủ động phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và các sở, ngành điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm đề xuất của nhà đầu tư phù hợp với quy hoạch phân khu...

Với Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu công viên, trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở quy hoạch được chấp thuận và phần diện tích 52,87ha đã giải phóng mặt bằng, UBND quận Hà Đông lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 1.

Còn với 3 công viên đang vướng mặt bằng, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đông Anh hoàn thành giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án, cũng như thi công hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh khớp nối đồng bộ với dự án, sớm đưa công trình vào hoạt động, phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư xây dựng mới các công viên tại Hà Nội: Tập trung gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.