(HNM) - Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội gửi UBND TP, giá trị khối lượng thực hiện vốn xây dựng cơ bản (XDCB) toàn TP trong 9 tháng qua đạt hơn 10.384 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch, trong khi vốn XDCB giải ngân là 9.280 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch năm. Mặc dù cao hơn tỷ lệ giải ngân vốn XDCB cùng kỳ năm trước, nhưng con số trên thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung cả nước (khoảng 64%).
Nhiều công trình xây dựng cơ bản thi công chậm tiến độ do chủ đầu tư không kịp thời giải ngân cho các nhà thầu thi công. Ảnh: Nguyễn Huy |
Tính từ thời điểm tháng 6-2012, sau khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, đã có thêm 4 đơn vị (trong số 7 đơn vị chưa giao kế hoạch vốn ở thời điểm tháng 6-2012) giao hết kế hoạch vốn năm 2012. Các chủ đầu tư đã tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là dự án chuyển tiếp, do đó đã có 59 công trình hoàn thành, đưa vào khai thác; cùng với đó 35/49 dự án mới được khởi công, đồng thời nhiều dự án đang trong quá trình triển khai có giá trị thực hiện vượt kế hoạch vốn giao. Điểm sáng nữa là 100% công trình trọng điểm được phê duyệt kế hoạch chi tiết theo từng tháng, từng quý; những công trình trong giai đoạn thực hiện đều đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là những hạn chế, có thể nói không mới, đã được chỉ ra từ nhiều năm nay. Đó là tình trạng chủ đầu tư không chịu giải ngân kịp thời cho nhà thầu thi công; dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không được hoàn thiện thủ tục thanh toán theo quy định. Báo cáo của Sở Tài chính cho thấy, đến hết tháng 7-2012, có 83 dự án chủ đầu tư chậm nộp báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành, quá 6 tháng theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, một số dự án phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành được phê duyệt; vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc hồ sơ dự án phải chỉnh sửa nhiều lần do năng lực chủ đầu tư hạn chế. Đặc biệt, sau khi UBND TP ban hành đơn giá xây dựng theo giá vật liệu, nhân công mới, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp chế độ chính sách hiện hành cũng khiến cho việc giải ngân XDCB chậm. Tính đến ngày 15-9-2012 vẫn còn 33 dự án thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư của 20 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2012, trong đó các đơn vị có nhiều dự án chưa giải ngân là huyện Chương Mỹ 3 dự án, Sở Giáo dục - Đào tạo 3 dự án, Sở GTVT 4 dự án… Cùng thời điểm này, còn 30 dự án mới chưa khởi công. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP Hà Nội, những đơn vị có kết quả thực hiện và giải ngân vốn XDCB do TP quản lý rất thấp là Sở Khoa học - Công nghệ được 2,8%, Sở Thông tin - Truyền thông 10%, quận Hà Đông 31%, huyện Phú Xuyên 34%, Sở Y tế 38%. Trong khi đó tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách do quận, huyện quản lý cũng không khả quan, tính chung mới đạt tỷ lệ 49%, trong đó thấp nhất là quận Cầu Giấy 12%, tiếp đến là Hoàng Mai 22%, Thanh Xuân 23%, Chương Mỹ 30%, Hai Bà Trưng 32%.
Liên quan đến việc giải ngân vốn XDCB, mới đây UBND TP đã chỉ đạo Sở KH-ĐT chủ trì cùng các Sở Tài chính, KBNN TP Hà Nội kiểm tra, rà soát, phân loại dự án theo khối và theo nhóm công trình (nguồn vốn XDCB tập trung do TP quản lý, nguồn vốn cho các quỹ và một số dự án cho ngân sách cấp huyện), phân tích nguyên nhân trình UBND TP quyết định cắt giảm dự án đến ngày 30-6 chưa giao dịch tại KBNN và đến ngày 30-9 chưa giải ngân, thanh toán tại KBNN. Đồng thời, Sở KH-ĐT cùng các sở, ngành rà soát các dự án công trình để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trên cơ sở tập trung vốn cho các dự án phát sinh thuộc diện cấp bách, dự án dân sinh bức xúc, vốn đối ứng cho dự án ODA, trọng điểm đang triển khai (đặc biệt là 37 công trình, cụm công trình trọng điểm TP giai đoạn 2011-2015)…
Đối với việc GPMB, TP đã áp dụng cơ chế riêng, các dự án được thanh toán theo tiến độ và phương án GPMB được duyệt mà không phụ thuộc mức vốn giao cụ thể của từng dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tính đến ngày 15-9, giải ngân cho GPMB mới đạt 66% kế hoạch, còn khoảng 700 tỷ đồng từ nay đến cuối năm nên đối với các dự án có nhu cầu ứng vốn GPMB, Sở KH-ĐT sẽ báo cáo TP phê duyệt danh mục - đại diện Sở KH-ĐT cho biết. Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, TP sẽ quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, phấn đấu giải ngân số vốn XDCB đã giao kế hoạch năm 2012 trong 3 tháng cuối cùng của năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.