Đầu tư

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:Nâng lượng, tăng chất

Anh Minh 20/08/2024 - 06:28

Trong lúc kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nhiều quốc gia chưa được cải thiện đáng kể thì bức tranh này ở Việt Nam lại mang màu sáng, đem lại tín hiệu khả quan cả lượng và chất.

Trong 7 tháng của năm 2024, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, tỷ lệ giải ngân khá cao và nhiều dự án có hàm lượng công nghệ lớn. Nhiều cơ quan, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đã đưa ra nhận định, Việt Nam là điểm đến sáng giá hàng đầu khu vực cho dòng vốn đầu tư…

minh-hoa.jpg
Trong 7 tháng của năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD. Đồ họa: Văn Chung

Tỏa đều trên diện rộng

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 7 tháng trong giai đoạn 2020-2024.

Các số liệu nói trên đã chứng minh tính hấp dẫn, sức cạnh tranh và vị thế, tiềm năng của thị trường Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Điều này cũng thể hiện xu hướng tăng trưởng của hoạt động đầu tư nước ngoài vốn đã định hình trong nhiều tháng qua. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, kết quả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài là tích cực và khả quan, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga đánh giá, đầu tư nước ngoài là điểm sáng trong 7 tháng qua và số tỉnh, thành phố thu hút thêm vốn mới cũng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, hoạt động này đang tỏa đều trên diện rộng. Đặc biệt, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang quan tâm, chủ động tìm hiểu điều kiện, cơ hội để đầu tư tại Việt Nam. Đây là thực tế rất quan trọng, điều kiện đầu vào để tạo ra sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng, nâng nền kinh tế lên một tầm cao mới.

Đến nay, một số tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam, như Intel, Samsung, Synopsys… Ngoài ra, những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như: Google, Apple, Meta và Nvidia (những doanh nghiệp có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD) cũng đang tìm cơ hội ở Việt Nam. Đáng ghi nhận nữa là đang xuất hiện các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cảng quốc tế Trần Đề, cảng Cần Giờ… với số vốn lên tới hàng tỷ USD/dự án. Đặc biệt, tỷ phú Ấn Độ Adani đề xuất đầu tư 2 tỷ USD vào dự án cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) nhằm biến thành phố này trở thành điểm đến, trung chuyển và trung tâm logistics tầm cỡ khu vực.

Rõ ràng, Việt Nam đang đi đúng hướng, chủ động sàng lọc cơ hội, thu hút đầu tư mới trên cơ sở thực hiện hài hòa, đồng đều 2 mục tiêu là nâng lượng và tăng chất đầu tư nước ngoài.

Đồng hành với nhà đầu tư

Tuy nhiên, diễn biến đầu tư nước ngoài trên thế giới đang ẩn chứa những dấu hiệu phức tạp, có thể gây bất lợi cho Việt Nam. Giới đầu tư ngày càng “khó tính” hơn trong việc lựa chọn địa chỉ đầu tư dự án mới. Bên cạnh đó, một số quốc gia đã áp dụng chính sách hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư, một động thái khiến mức độ cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD. Trong bối cảnh quốc tế cạnh tranh gay gắt như hiện tại, việc đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mới là vô cùng cấp thiết.

Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách, nhất quán tinh thần đồng hành, sẵn sàng nắm bắt tình hình để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư một cách kịp thời, hiệu quả. Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế cũng như tìm biện pháp đáp ứng nhu cầu mới của nhà đầu tư đối với những dự án lớn, cần có ưu đãi khác biệt.

Các chuyên gia đã khuyến nghị, Việt Nam cần đưa ra chính sách hỗ trợ đầu tư mang tính đột phá, chọn lọc cao nhằm duy trì sức cạnh tranh, đặc biệt giữ chân nhà đầu tư và thu hút các “đại bàng". Chính sách này hướng tới mục tiêu khuyến khích tất cả các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên và thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ Việt Nam.

Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư; bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Quỹ này sẽ hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Dự kiến, các hỗ trợ gồm chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

van-toan.jpg

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn:

Củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Kết quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua là đáng ghi nhận, mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Để thu hút thêm nhiều vốn, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hỗ trợ, củng cố niềm tin của nhà đầu tư theo hướng rõ ràng và vì sự hợp tác lâu dài. Nên nhớ, nhà đầu tư bao giờ cũng nghiên cứu, cân nhắc, so sánh lợi thế, các điều kiện liên quan rất kỹ trước khi quyết định.

Việt Nam đang chủ động hơn trong quảng bá, kêu gọi vốn đầu tư thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung cho chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, bên cạnh việc hợp tác với đối tác nước ngoài… Điều này rất đáng ghi nhận, nhưng cũng cần tăng cường thêm nhiều động thái thúc đẩy hiệu quả hơn. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là thu hút được các dự án công nghệ cao, nhất là lĩnh vực bán dẫn từ Mỹ cũng như các quốc gia làm chủ công nghệ này. Đồng thời, cần quan tâm mời gọi, thu hút vốn từ các đối tác truyền thống, để có nguồn vốn bổ sung liên tục…

thi-ngan.jpg

Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân:

Cần nhiều giải pháp để hút vốn có chất lượng

Kết quả thu hút cũng như giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng của năm 2024 được cải thiện rõ rệt và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Đây cũng là sự tiếp nối đà cải thiện trong thời gian gần đây. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn chất lượng cao, được xem là điểm khởi đầu của làn sóng thu hút vốn thứ tư.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại, đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn có chất lượng trong thời gian tới. Mặc dù cơ hội của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư dịch chuyển là lớn, nhưng để cơ hội đó trở thành hiện thực và kéo được những dự án từ các nhà đầu tư uy tín, mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp. Chúng ta cần chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

huong-nga.jpg

Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng Phí Thị Hương Nga:

Đầu tư nước ngoài là điểm sáng của nền kinh tế

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là điểm sáng của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, trong 7 tháng của năm 2024, cả vốn đầu tư nước ngoài thực hiện và đăng ký tiếp tục tăng lần lượt là 8,4% và 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư mới tăng cả về vốn đăng ký, số lượng dự án cũng như quy mô vốn đầu tư (bình quân hơn 5,9 triệu USD/dự án so với mức 4,9 triệu USD/dự án trong 7 tháng của năm 2023). Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Đáng ghi nhận là, ngành thu hút vốn đầu tư lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; tiếp đó là ngành kinh doanh bất động sản. Điều này cho thấy những điều chỉnh chính sách về bất động sản của Nhà nước trong nửa đầu năm 2024 đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản, làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư để họ yên tâm bỏ vốn vào lĩnh vực này.

Hồng Sơn ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Nâng lượng, tăng chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.