(HNM) - Những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư nhìn chung giảm sút hoặc chững lại, nhưng lượng vốn đầu tư nước ngoài “chảy” vào nước ta vẫn cơ bản ổn định, thậm chí cao hơn nhiều quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang hy vọng tạo được bước đột phá mới, với kết quả tăng cao hơn nhiều trong năm 2023…
Dự báo khả quan
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023. Con số này cao hơn rất nhiều so với kết quả năm 2022 với gần 28 tỷ USD.
“Trong tháng 1-2023, Việt Nam thu hút gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (gồm vốn mới, vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua mua cổ phần trong nước). Tuy giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng riêng vốn đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng thông tin.
Ở thời điểm đầu năm 2023 cũng ghi nhận một số chỉ dấu, động thái hứa hẹn dòng vốn nước ngoài “chảy” mạnh hơn vào Việt Nam. Theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, Việt Nam và Singapore đang sẵn sàng nâng tầm hợp tác song phương, tập trung vào lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng… Như vậy, giới đầu tư Singapore đã nhận ra tiềm năng cũng như thời cơ để nâng tầm hợp tác, tìm kiếm cơ hội và hiện thực hóa thông qua những dự án đầu tư cụ thể.
Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) xác nhận, 42% thành viên của mình đang dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển là những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu sẽ đẩy mạnh đầu tư. Thực tế này cũng phù hợp với định hướng chủ động sàng lọc, nâng cao chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, ưu tiên tiếp nhận dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường của Việt Nam.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tesa Site (Hải Phòng) Dirk Hartmann cho biết, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và lợi thế về địa lý cho vận tải.
Các chuyên gia nhận định, các yếu tố quan trọng để đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc trong năm 2023 gồm: Kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư; việc khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Đó là xung lực mới, là cách tiếp cận và định hướng rõ ràng trong hoạt động đầu tư nước ngoài hiện tại cũng như dài hạn.
Chủ động đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư
Để hấp dẫn thêm vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng phải chủ động đẩy mạnh cải cách, điều chỉnh và khắc phục những bất cập, tồn tại về thủ tục hành chính hoặc nút thắt về hạ tầng.
Theo Eurocham, 68% doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều vốn từ châu Âu bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính, 53% doanh nghiệp cho rằng cần cải thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một bài toán mà Chính phủ Việt Nam cần chú trọng.
Hiện, nhiều địa phương đang tăng tốc độ chuẩn bị, đáp ứng nhu cầu về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư sẽ hiện diện trên địa bàn trong năm 2023. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng tiếp nhận dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore) với số vốn 621 triệu USD. Bên cạnh đó là một số dự án thuộc lĩnh vực điện tử, bán dẫn, sản xuất linh kiện điện thoại trong giai đoạn nghiên cứu, triển khai tại tỉnh này trong năm nay. Trong khi đó, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại lồng ghép với mục tiêu bảo vệ môi trường. Các địa bàn giàu tiềm năng, có quy mô công nghiệp lớn, như: Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Đà Nẵng… cũng đánh giá toàn diện tình hình, đồng thời dự báo về khả năng thu hút các dự án mới. Tất cả nhằm chủ động xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư từ khi tìm hiểu, nghiên cứu đến lúc được cấp phép và đi vào hoạt động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hướng tới thu hút những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển cho giai đoạn tới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngoài việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.