(HNMO) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.
Đề án này được phê duyệt nhằm nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông, xây dựng hệ thống quản lý điều hành, kết nối các hệ thống camera giám sát phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc; xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; trong đó có loại thông tin, dữ liệu thu thập, khả năng kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu dùng chung... Đề án cũng nhằm xây dựng hành lang pháp lý trong việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ qua hình ảnh.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông...; nâng cao năng lực giám sát, quản lý điều hành giao thông và an ninh trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân; cung cấp cho người dân, người tham gia giao thông các dịch vụ giao thông thông minh và các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Đề án sẽ thực hiện 3 dự án: Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera; Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội; Nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Đề án sẽ ưu tiên xây dựng hệ thống giám sát của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo quan điểm, đối với các tuyến cao tốc xây dựng mới, hệ thống camera được thiết kế, xây dựng đồng bộ trước khi đưa tuyến đường vào hoạt động, liên thông dữ liệu để dùng chung cho cả việc theo dõi, bảo trì của cơ quan quản lý đường bộ và phục vụ phát hiện vi phạm, tội phạm trên tuyến của lực lượng Công an nhân dân.
Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác; khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan khác đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.