(HNM) - Giải vô địch Quyền taekwondo thế giới năm 2016 tại Peru vừa qua là cơ hội để bộ môn taekwondo Hà Nội hoàn chỉnh việc hoạch định hướng đi trong thời gian tới, nhất là khi nội dung này sẽ được đưa vào chương trình thi đấu ASIAD 2018. Hầu hết những điều kiện để thành công đã có nhưng vẫn cần sự đầu tư
Năm 2000 là giai đoạn hưng thịnh của taekwondo Việt Nam, nhất là sau khi Trần Hiếu Ngân giành tấm huy chương đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic. Lúc ấy, nội dung quyền taekwondo vẫn chưa phát triển như hiện nay. Nhưng ngay từ khi đó, các nhà quản lý thể thao Hà Nội đã nhìn thấy khả năng phát triển và cơ hội góp mặt ở các đấu trường thể thao quốc tế lớn của môn này. Vì vậy, họ đã bắt tay phát triển thêm mảng quyền bên cạnh mảng đối kháng truyền thống.
Chủ nhiệm bộ môn taekwondo Hà Nội Đào Quốc Thắng chia sẻ: "Từ năm 1993, Hà Nội đã may mắn được chuyên gia người Hàn Quốc khi đó là Trưởng ban Kỹ thuật của Học viện Hàn lâm Taekwondo thế giới và hiện tại là Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyền taekwondo Châu Á hỗ trợ phát triển. Các kỹ thuật của ông đều nguyên bản, chuẩn chỉ, giúp VĐV tiếp cận với những kỹ thuật quyền chính thống để bắt được kỹ thuật của thế giới. Chính những VĐV này đã trở thành những HLV của quyền taekwondo Hà Nội khi thành phố phát triển mạnh nội dung này vào năm 2000. Điều này cũng giúp VĐV Hà Nội các lứa sau có nền tảng kỹ thuật chuẩn. Sau đó, thêm một chuyên gia Hàn Quốc khác sang Việt Nam hỗ trợ đội quyền taekwondo Hà Nội theo diện tình nguyện viên, đó có thể coi là may mắn cho taekwondo Hà Nội”. Cũng phải kể đến công tác tuyển chọn đào tạo của Hà Nội đã đi đúng hướng khi chọn được những VĐV có tố chất phù hợp. Việc taekwondo Hà Nội luôn đứng đầu cả nước ở các kỳ giải quốc gia hay Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua cũng một phần nhờ đội ngũ VĐV quyền của mình.
Tất nhiên, thế mạnh ấy được nhân lên cũng là nhờ những chuyến tập huấn dài hạn tại Hàn Quốc - cái nôi của taekwondo thế giới. Những nhà quản lý thể thao Hà Nội luôn tạo điều kiện hết mức để các võ sĩ Hà Nội được tập huấn, nâng cao trình độ tại nước ngoài, cho dù tốn kém. Vì thế, quyền taekwondo Hà Nội và quyền taekwondo Việt Nam mới lần đầu tiên có VĐV lên ngôi ở Giải vô địch thế giới là Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Minh Tú ở nội dung đôi nam nữ. Sau đó Nguyễn Đình Toàn và người đồng đội Nguyễn Minh Tú ở Hà Nội còn hai lần vô địch thế giới và không ít lần vô địch Châu Á, Đông Nam Á và SEA Games.
Quyền taekwondo Hà Nội hiện vào giai đoạn chuyển giao thế hệ VĐV. Lứa VĐV sinh năm 2000 trở đi đang được gây dựng để trở thành nòng cốt trong tương lai. Nhóm VĐV này cũng thuộc diện có tài, mà rõ nhất là việc giành tấm HCB đôi nam lứa tuổi thiếu niên tại Giải vô địch Quyền taekwondo thế giới vừa qua. Tuy nhiên, VĐV Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Minh Tú đã nghỉ thi đấu để chuyển sang công tác huấn luyện, ít nhiều để lại khoảng trống không dễ san lấp trong ngắn hạn. Dù rằng chúng ta đang cần sự đầu tư quyết liệt trong bối cảnh ASIAD 2018, Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 do Hà Nội đăng cai đang đến gần và xa hơn là những kỳ ASIAD khác, thậm chí là Olympic.
Thực tế, điều kiện của thể thao Hà Nội có thể đáp ứng cả về yếu tố thầy, thợ và cơ sở vật chất nhưng cần nhất vẫn là cơ chế, tầm nhìn đầu tư để bảo đảm sự ổn định. Trong đó, những chuyến tập huấn nước ngoài dài hạn, thi đấu quốc tế cũng cần được chú trọng. Để làm được điều này nhất thiết phải bắt nguồn từ cách tiếp cận trong việc đầu tư trọng điểm. Theo đó, những môn, nội dung trong nhóm trọng điểm có nhiều khả năng đoạt huy chương ở ASIAD hay có vé dự Olympic cần được đầu tư mạnh tay chứ không thể cào bằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.