(HNM) - Những năm gần đây, nền kinh tế luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn đầu tư mà nguyên nhân chính là do đầu tư dàn trải. Đây là căn nguyên tạo ra sự lãng phí về thời gian, hiệu quả vốn đầu tư, chi phí quản lý, suy giảm sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh...
Vì vậy, thay đổi chính sách đầu tư công, với nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách (NS) và trái phiếu chính phủ (TPCP) là yêu cầu tất yếu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định, đã đến lúc phải giải quyết triệt để vấn đề này…
Ngân sách luôn phải dàn mỏng cho hàng ngàn dự án dẫn đến dàn trải trong đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Huy Hùng
Vốn mỏng,lại "đông con"
Trên phạm vi cả nước luôn có hàng trăm dự án/công trình đang triển khai, chưa hoàn thành, nhưng không ít trong số đó rơi vào tình trạng thiếu vốn để thực hiện tiếp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, như sự bị động, lúng túng của chủ đầu tư, số lượng dự án đề nghị được đầu tư hoặc bổ sung vốn thường biến động theo hướng tăng lên, nhiều dự án xin điều chỉnh quy mô dẫn đến tăng vốn. Đặc biệt, từ trước đến nay việc các địa phương lập dự án rồi đề nghị TƯ hỗ trợ, cấp vốn, thậm chí cứ "mạnh dạn" triển khai rồi báo cáo xin cấp vốn sau theo hình thức kết hợp vốn NS TƯ và địa phương, vẫn là tình trạng khá phổ biến! Mà báo cáo khả thi của dự án nào, thuộc lĩnh vực nào, hay địa phương nào khi trình thẩm định, đề nghị bố trí vốn NS cũng đầy đủ lý do chính đáng và "cấp thiết".
Thực trạng tuy thiếu vốn nhưng vẫn thực hiện dự án rồi "tính sau" đã diễn ra trên diện rộng trong hoạt động đầu tư công suốt nhiều năm qua. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, đầu tư từ nguồn NS diễn ra khá dàn trải, bị động tại nhiều ngành, địa phương, hoặc trong DN Nhà nước dẫn đến hạn chế hiệu quả đồng vốn và tác động không tốt đối với KT-XH. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu dẫn chứng một con đường cấp tỉnh, phục vụ nhu cầu dân sinh đã thi công khoảng 10 năm ở miền Tây Nam bộ mà chưa hoàn thành. Thiếu vốn cho đầu tư công khiến NS luôn phải căng ra, dàn mỏng để phân chia cho hàng ngàn dự án trong cơn "khát vốn" ngày càng bộc lộ nhiều tác hại, đã đến lúc không thể "gồng" thêm được nữa. Hay nói cách khác là tình trạng này giống như cảnh "nhà nghèo, đông con", đẩy các cấp quản lý vào tình thế lúng túng, được chính đại diện cơ quan quản lý xác nhận là đã "thấm thía" bài học của sự dàn trải trong đầu tư.
Bộ KH-ĐT xác nhận, đã có một số tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư thời gian qua, như phân cấp quá rộng nhưng thiếu biện pháp quản lý đồng bộ; phê duyệt quá nhiều dự án dẫn đến mất khả năng cân đối vốn; bố trí vốn dàn trải, thời gian thi công kéo dài; kế hoạch đầu tư bị "cắt khúc" từng năm; hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí nguồn lực.
Tăng cường quản lý
Để xử lý những tồn tại trong đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NS Nhà nước và vốn TPCP. Nội dung chỉ thị cho thấy sự thay đổi về quan điểm bố trí vốn, cách làm triệt để và chặt chẽ hơn trong quản lý đầu tư. Các bộ, địa phương đã sẵn sàng quán triệt ngay từ tháng 11-2011 thông qua các hội nghị hướng dẫn thực hiện Chỉ thị do Bộ KH-ĐT chủ trì tại hai miền Bắc và Nam. Chính phủ kiên quyết chỉ đạo các bộ, địa phương tránh đầu tư dàn trải, bố trí vốn tập trung hơn cho các dự án/công trình cần thiết kết hợp tiếp tục cắt giảm đầu tư công. Cụ thể, các dự án đã có quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản; mọi trường hợp bổ sung vốn, điều chuyển trong nội bộ ngành, lĩnh vực chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền giao vốn chấp thuận. Việc bố trí vốn từ NS và vốn TPCP phải được lập theo kế hoạch đầu tư 5 năm để tăng tính chủ động, xử lý, cũng như thực hiện của các bên liên quan nhằm bảo đảm đầu tư đủ mức vốn cần thiết để hoàn tất các dự án.
Việc giao vốn đầu tư từ NS năm 2012 sẽ được tính toán trên cơ sở cân đối chung với yêu cầu của giai đoạn 2011-2015. Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên là: Tập trung vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao trước ngày 31-12-2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; ưu tiên vốn cho dự án phải hoàn thành năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ dự án; bố trí vốn cho một số dự án đang thực hiện đồng thời hạn chế tối đa dự án mới, nhưng nếu bố trí vốn cho dự án mới phải bảo đảm tổng vốn bố trí đạt mức tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A, 20% với dự án nhóm B và 35% đối với dự án nhóm C (so với tổng vốn đầu tư được duyệt).
Các dự án được đầu tư nhưng không bố trí được vốn từ nguồn NS năm 2012 phải phân loại để xử lý. Trong đó, nếu dự án có khả năng chuyển đổi sang hình thức khác như BOT, BT, PPP… thì khuyến khích chuyển đổi hoặc sẽ gọi nhà đầu tư mới trong, ngoài nước theo hình thức bán hoặc chuyển nhượng nhằm tiếp tục thực hiện dự án. Những dự án không thể chuyển đổi hình thức như trên, các bộ, địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện. Trường hợp không thu xếp được vốn thì tạm dừng lại. Bên cạnh đó, cần lưu ý tổng nhu cầu vốn TPCP dành cho các dự án đã được phê duyệt giai đoạn 2012-2015 lên đến 500.000 tỷ đồng, nhưng tổng số vốn TPCP được Quốc hội cho phát hành chỉ đạt 180.000 tỷ đồng, tức đáp ứng được 36% nhu cầu. Như vậy, sẽ có khoảng 2/3 công trình đang triển khai sẽ bị đình hoãn, đồng thời không có điều kiện bổ sung dự án mới.
Bộ KH-ĐT dự báo, dưới tác động của sự cắt giảm đầu tư và siết chặt quản lý như trên sẽ gây ra hiệu ứng không mong muốn, cũng như có thể đoán trước về sự xuất hiện bức tranh ảm đạm với ngành xây dựng, hay rộng hơn là đời sống xã hội ở các tỉnh, thành phố. Sẽ có hàng loạt dự án phải đình hoãn, từ đó tạo ra gánh nặng trực tiếp cho các địa phương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.