(HNM) - Thời gian qua, các tập đoàn viễn thông, công nghệ trong nước - tùy theo tên gọi tại mỗi doanh nghiệp đã lần lượt thành lập các bộ phận chuyên nghiên cứu và phát triển (R&D), với số tiền hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm...
Lắp ráp điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam. |
Bài học từ Samsung Việt Nam
Bên cạnh việc mở rộng đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính bảng tại Việt Nam, từ đầu năm 2012, Samsung đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Việt Nam (SVMC). Trung tâm này chịu trách nhiệm cung cấp các phần mềm cho sản phẩm điện thoại di động chính hãng và phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng LTE (4G) khu vực Đông Nam Á, Australia, New Zealand.
Được biết, trong số 25 trung tâm R&D mà Tập đoàn Samsung Hàn Quốc xây dựng trên toàn cầu, thì SVMC là một trong ba trung tâm lớn và giữ 10% thị phần phần mềm cho smartphone và tablet chính hãng trên toàn cầu. Đến nay, trung tâm đã thực hiện 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu cùng tham gia với bộ phận R&D của các nước khác và các dự án phần mềm thương mại. Có thể kể đến các dự án mà SVMC tham gia như S Pen (cho dòng máy tính bảng Galaxy, note), Smart Switch (giúp đồng bộ dữ liệu từ điện thoại cũ sang mới, từ điện thoại sang máy tính bảng), Smart school (dành cho lớp học thông minh)…
Song, điều đáng bàn ở chỗ trong số 1.500 người đang làm việc tại trung tâm thì chỉ có 5 người nước ngoài, còn lại là chuyên gia và kỹ sư Việt Nam. Được biết, mỗi năm Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam có nhu cầu tuyển khoảng 350 kỹ sư công nghệ vào làm việc. Trong số đội ngũ chuyên gia, kỹ sư người Việt Nam đang làm việc này thì nhiều người là du học sinh, sinh viên ưu tú tại các trường đại học được tuyển chọn về làm việc.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, SVMC đã hợp tác với các trường đại học (ĐH) trong nước như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông bằng cách tặng học bổng cho sinh viên xuất sắc các khoa công nghệ thông tin và điện tử viễn thông. Ngoài ra, Samsung đào tạo miễn phí các khóa học, nhận thực tập cho sinh viên giỏi; tài trợ phòng học và thực hành (phòng lab) cho các trường ĐH. Đến nay, Samsung Việt Nam đã tặng 268 suất học bổng trị giá 13 tỷ đồng cho sinh viên các trường này.
Các nhà mạng trong nước vào cuộc
Đến nay, các tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn trong nước đều đã thành lập Trung tâm R&D như FPT, Viettel, CMC. Đáng chú ý, Tập đoàn Viettel coi việc đầu tư cho R&D là một trong 3 trụ cột cùng với viễn thông và đầu tư nước ngoài. Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) là một trong những nơi nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ cho cả mục đích dân sự và mục đích quốc phòng. Đáng chú ý, Viện đã nghiên cứu, thiết kế thành công nhiều sản phẩm phục vụ cho quốc phòng được đánh giá cao, giúp thay thế việc phải nhập khẩu và tiết kiệm tiền cho Nhà nước. Viettel cũng sản xuất các sản phẩm, thiết bị cảnh báo sóng thần, cảnh báo hồ chứa, thiết bị giám sát nhà trạm, tủ nguồn, USB 3G, điện thoại 3G…
Ngoài ra, Tập đoàn Viettel còn thành lập 2 viện nghiên cứu khác và 2 công ty phần mềm, ước tính tổng nhân lực đang làm việc ở bộ phận nghiên cứu, sáng tạo khoảng 4.500 nhân sự (trong đó có 3.000 tiến sĩ, kỹ sư, lập trình viên). Được biết, doanh thu bước đầu trong lĩnh vực này năm 2014 đạt 5.500 tỷ đồng; hằng năm Viettel dành chi đến 400 triệu USD cho R&D… Việc đầu tư vào R&D, Viettel đặt mục tiêu trở thành tập đoàn không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn sản xuất thiết bị công nghệ cao. Cụ thể, Viettel xác định đến năm 2020 trở thành tổ hợp nghiên cứu sản xuất với các mục tiêu cụ thể về thiết bị quân sự, công nghiệp quốc phòng và thiết bị hạ tầng viễn thông để bảo đảm an ninh mạng viễn thông trong nước.
Tập đoàn FPT cũng đã thành lập Viện Nghiên cứu công nghệ để đầu tư cho R&D. Được biết, viện nghiên cứu này của FPT tập trung vào 4 hướng nghiên cứu: Ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, công nghệ vũ trụ, năng lượng mới, công nghệ sinh học. Tương tự, Tập đoàn CMC cũng đã thành lập bộ phận R&D. Tập đoàn VNPT cũng vừa ra mắt Trung tâm Nghiên cứu phát triển. Nếu so sánh với các doanh nghiệp đối thủ, các tập đoàn công nghệ trong nước, việc VNPT thành lập là tương đối muộn. Tất nhiên, muộn là có nguyên nhân do phải tái cấu trúc, nhưng với một tập đoàn lớn, nếu để chậm trễ, sẽ ảnh hưởng đến phát triển sau này.
Như vậy, từ câu chuyện của Samsung Việt Nam, Viettel, FPT… đã thành lập Trung tâm R&D để thu hút chuyên gia, kỹ sư giỏi về làm việc, một mặt cho thấy đó là hướng đi mới của các tập đoàn công nghệ giúp họ tiếp tục duy trì sự phát triển, mặt khác còn cho thấy đây là nơi thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho người có năng lực, trình độ vào làm việc để cống hiến chất xám, giá trị cho sự phát triển chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.