Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay từ cơ sở

Nhóm phóng viên| 30/05/2023 06:20

(HNM) - Từ ngày 22-5 đến ngày 26-5, Báo Hànộimới đăng tải loạt bài viết “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hội tụ niềm tin, củng cố tiềm lực, vững vàng vị thế”. Từ việc ôn lại những lời dạy của Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguồn gốc và hệ lụy của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng như nêu bật những điểm trọng tâm trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, loạt bài đã mạnh mẽ khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm; thành tựu, ý nghĩa to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh việc bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với loạt bài, rất nhiều bạn đọc cũng khẳng định: Một trong những giải pháp hiệu quả là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngay từ cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 19-20, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai: 
Nhận diện và ý thức rõ về tác hại của tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi loạt bài viết về phòng, chống tham nhũng vừa đăng tải trên Báo Hànộimới, tôi rất tâm huyết và đồng tình với quan điểm: Muốn phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực một cách hiệu quả, không thể thiếu sự đồng bộ, đồng thuận, đồng lòng. Chỉ khi đồng bộ các giải pháp; đồng lòng từ trên xuống dưới, đồng thuận từ trong ra ngoài, chúng ta mới có đủ nguồn lực, sức mạnh để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Phòng chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, chống những thói hư, tật xấu, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức như tiền tài, vật chất, của cải… Do đó, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng cấp, ngành nào; càng không chỉ là nhiệm vụ của riêng các tổ chức Đảng, các đảng viên mà phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn xã hội.

Để nâng cao hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân, trước hết cần phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Để làm được điều đó, phải xây dựng được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân thông qua các tổ chức Đảng từ cơ sở. Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ… phải thực sự gần dân, đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, xử lý kịp thời các vấn đề khiến người dân bức xúc. Mặt khác, phải làm tốt công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, giúp người dân nhận diện và ý thức rõ về tác hại của tham nhũng, tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Từ đó, giúp mỗi người dân ý thức được trách nhiệm của mình và tham gia hiệu quả hơn vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bà Hoàng Thị Bích Liên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 7, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa: 
Cần kiện toàn hoạt động của ban thanh tra nhân dân cấp cơ sở

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tư tưởng “Dân là gốc”. Điều đó cho thấy, vai trò, vị thế rất quan trọng của nhân dân trong vận mệnh mỗi quốc gia, trong tiến trình vận hành của xã hội và đặc biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc phát huy vai trò gương mẫu của mỗi đảng viên trong các cơ sở Đảng, chúng ta cần phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể nhân dân. Hiện nay chúng ta có rất nhiều các tổ chức đoàn thể, nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa đi sâu đi sát. Để khắc phục, theo tôi, các tổ chức đoàn thể phải bố trí nhân lực, tăng cường hoạt động ở cơ sở để nắm chắc tình hình của quần chúng, chủ động xử lý những vấn đề khúc mắc của quần chúng nhân dân, từ đó tham mưu cho cấp ủy và chính quyền hướng giải quyết thấu tình, đạt lý. Bên cạnh đó, cần kiện toàn hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở cấp cơ sở, đưa tổ chức này trở thành “cánh tay” đắc lực trong giám sát hoạt động của chính quyền, tham gia tích cực vào việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng có biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Ông Phạm Đức Phú, đảng viên Chi bộ số 16, phường Thượng Thanh, quận Long Biên: 
Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phòng, chống tham nhũng

Trong một năm qua, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố nói chung và Hà Nội nói riêng đã hoạt động rất hiệu quả. Chúng ta đều biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng chính là do những “lỗ hổng” từ cơ chế, chính sách, pháp luật. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần được xem là “cái gốc” của công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi rất tâm đắc với quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là cần phải xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, sao cho cán bộ, công chức “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng”…

Bà Nguyễn Thị Thêu, chung cư Ocean Park 1, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm: 
Phải tạo ra "cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng..."

Loạt bài viết về đề tài phòng chống tham nhũng đăng tải trên Báo Hànộimới những ngày vừa qua thực chất đã làm tốt hai nhiệm vụ: Vừa khái quát hóa, vừa hiện thực hóa những vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Theo tôi, trong phòng, chống tham nhũng, vấn đề “phòng” cần được ưu tiên hàng đầu. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, trong công tác phòng, chống tham nhũng, cần thiết phải tạo ra một “cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”. Đó chính là việc hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, thưởng; bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống. Chỉ khi cuộc sống được bảo đảm, không còn nỗi lo về “cơm áo gạo tiền”, khi đó người lao động mới yên tâm cống hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.