Lý Nam Đế tên huý là Lý Bí. Ông là hào trưởng người Việt, có tài văn võ, từng giữ chức giám quân của nhà Lương ở Châu Đức (tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Do bất bình với quan quân đô hộ, ông về quê ở Thái Bình (vùng đất giữa huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây), ngầm chiêu dụ hào kiệt để mưu tính việc lớn.
Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đã được toàn dân hưởng ứng. Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư khiếp sợ phải chạy trốn sang Quảng Châu. Và sau đó, chỉ trong vòng ba tháng, nghĩa quân đã quét sạch bọn đô hộ nhà Lương, khôi phục được nền độc lập của Giao Châu. Bị đánh một đòn đau, tháng 4-542 và đầu năm 543 nhà Lương tổ chức hai cuộc phản kích nhưng đều bị nghĩa quân của Lý Bí đánh tan.
Sau những thắng lợi này, tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí tuyên bố dựng nước Vạn Xuân, lên ngôi vua, xưng Nam Việt Đế, sử sách thường gọi là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, lập triều đình bách quan văn võ. Xây đài Vạn Xuân, tức cung điện Vạn Xuân làm nơi triều hội và cho dựng chùa Khai Quốc (có nghĩa mở nước) ở bên bờ sông Nhĩ Hà, khu vực phường Yên Phụ ngày nay.
Đầu năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân xâm lược nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Đế dẫn ba vạn quân ra chống giặc ở vùng Chu Diên (Hưng Yên?). Bị thua, ông cho xây dựng thành luỹ ở cửa sông Tô Lịch để chống giặc.
Trong lịch sử, nhà nước Vạn Xuân chỉ tồn tại có 3 năm, nhưng đối với riêng Hà Nội, việc dựng nước Vạn Xuân lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính Lý Bí là người đã nhận ra vị trí quân sự hiểm yếu của vùng đất Hà Nội cổ, cho dựng thành luỹ bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Năm 824, đô hộ Lý Nguyên Gia, thấy thành Long Biên ở bên kia sông Đuống có địa thế bất lợi, bèn rời phủ trị sang địa phận huyện Tống Bình, gần sông Tô Lịch. Lúc đầu chỉ xây toà thành nhỏ, sau đó nhận thấy nơi này có địa thế hiểm yếu, liền lập phủ trị vĩnh viễn ở đó, cho đắp rộng cao thêm thành. Năm 866, nhà Đường sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ, ông cho đắp thêm thành Đại La. Đến năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái tổ nhận ra thành Đại La là nơi “bốn phương tụ hội” nên cho chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La và cho đổi gọi Thăng Long.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu nêu giả thiết cửa sông Tô nằm ở vùng chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm) nhưng cố GS Trần Quốc Vượng và cụ Vũ Tuân Sán lại cho biết rằng, trên đất huyện Thanh Trì có đầm hay hồ Vạn Xoan (nay thuộc phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai). Xoan tức là xuân đọc theo âm cổ dân gian. Tương truyền bên bờ đầm nơi đó, khi xưa là nơi thiết lập triều đình Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Sông Tô Lịch và Kim Ngưu đều dồn nước xuống miền Thanh Trì. Thanh Liệt ở Thanh Trì, bên bờ sông Tô như đã biết, là quê của lão tướng Phạm Tu, cầm đầu ban võ của triều đình Vạn Xuân. Năm 1962, Sở Văn hoá Hà Nội tìm thấy một tấm bia cổ bên bờ đầm Vạn Xoan, ghi niên hiệu nhà Lương, tức thời Tiền Lý.
Nhằm tôn vinh công trạng của vị vua anh hùng, trước đây, một phố dài 1,1 km ở phía đông thành cổ Hà Nội đã được thành phố đặt tên là Lý Nam Đế. Và ở đầu phố này có vườn hoa được đặt tên là Vạn Xuân. Ngày 10-9-2006, đến phường Giang Biên, quận Long Biên ở bờ nam sông Đuống, chúng tôi được biết ở thôn Tình Quang có ngôi đình thờ Lý Nam Đế. Đây là nơi duy nhất ở Hà Nội có ngôi đình thờ vị vua này. Các phụ lão ở đây cho biết, vào giữa thế kỷ VI, nhân dân Tình Quang đã trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, trong đó có Cao Dương Công, là một trong bốn người có công giúp Lý Bí dựng nước Vạn Xuân. Năm 550, sau khi Lý Nam Đế mất hai năm, Cao Dương Công cùng dân làng dựng đền thờ vua tại Tình Quang. Năm 1676, có quan Thái giám họ Đào người làng đã chi nhiều tiền của dựng ngôi đình thờ Lý Nam Đế trên nền đền cũ. Đình 5 gian hai dĩ, hậu cung 3 gian. Trước đình có sân rộng, nghi môn ba cửa và hồ nước lớn, tất cả đã tôn thêm vẻ đẹp và quy mô hoành tráng của ngôi đình. Tại đình có trang trí các bức cốn và các đầu dư chạm khắc hết sức tinh xảo. Trước cánh cửa gian giữa toà đại đình và bức chạm rồng chầu mặt trời đặt tại xà ngang trước hậu cung có chạm nổi hai chữ “Vạn Xuân”. Năm 2002 dân thôn đóng góp 246 triệu, Nhà nước chi hơn 500 triệu để sửa chữa ngôi đình.
Đình Tình Quang có cảnh quan đẹp và mang đậm nghệ thuật kiến trúc đời Lê đã được Nhà nước xếp hạng bảo tồn năm 1993.
Theo HNMCT
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.