Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đấu thầu thuốc vào bệnh viện: Giá giảm, chất lượng có giảm?

Song Ngọc| 28/06/2013 06:25

(HNM) - Với việc áp dụng các quy định mới về đấu thầu thuốc vào bệnh viện (BV), các cơ sở y tế đã giảm chi hàng chục tỷ đồng so với năm ngoái. Tuy nhiên, chất lượng thuốc giá rẻ có…

Giảm chi phí thuốc

Theo đánh giá sơ bộ, công tác đấu thầu mua thuốc theo quy định mới của Bộ Y tế trong 6 tháng đầu năm đã tiết kiệm được 20-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Tại một số sở y tế, giá trúng thầu theo quy định mới đã giảm đáng kể so với năm trước. Sở Y tế Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỷ đồng (giảm 24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỷ đồng (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được khoảng 32 tỷ đồng (25%)... So sánh giá của 10 mặt hàng thuốc trúng thầu tại một số sở y tế năm 2012 và năm 2013 thì giá đã giảm từ 5,6% đến 34,64%, điển hình như Fascort giảm 42,86%, Quincef giảm giá 34,64%, Teonam giảm 10,6%, Getzlox giảm 6,88%... Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo đánh giá ban đầu giá thuốc giảm từ 15 đến 20% sau khi thực hiện đấu thầu theo quy chế mới.

Thực hiện đấu thầu theo quy định mới, giá thuốc giảm song nhiều người lại lo ngại về chất lượng thuốc. Ảnh: Dương Thủy



Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Tuấn Cường cho biết, năm 2013, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh không chỉ tiết kiệm được 40 tỷ đồng do giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm mà việc thực hiện Thông tư 01 và 11 còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bình đẳng, công bằng với thuốc nhập khẩu. Sở Y tế tỉnh đã định hướng cho các BV trực thuộc khi đấu thầu thuốc phải xem xét, nâng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước. Kết quả trong nửa đầu năm 2013, thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào các BV tại Quảng Ninh đã tăng từ 46% lên 52,4%...

Theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất. Trong quá trình chấm thầu, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, điều mà giới chuyên môn lo ngại là do thang điểm đấu thầu mới không phân biệt thuốc đạt chất lượng hay không nên các loại thuốc nằm trong khoảng từ tối thiểu (70 điểm) đến mức tối đa (100 điểm) đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau. Điều này sẽ khiến các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao thua thiệt khi giá thuốc cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản. Với điểm tối thiểu là 70 (DN đạt tiêu chuẩn GMP WHO), hầu hết công ty sản xuất thuốc đều dễ dàng đạt được vì đây là tiêu chuẩn bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với các loại thuốc của những nước sản xuất thuốc giá rẻ như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ được đấu chung với thuốc của Mỹ, Bỉ, Italia và Pháp... và nếu các công ty có thuốc giá rẻ trúng thầu, bệnh nhân sẽ bị mất cơ hội sử dụng những loại thuốc có chất lượng tốt.

Tăng nỗi lo thuốc kém chất lượng

Trước những băn khoăn về việc dùng thuốc giá rẻ sẽ giảm chất lượng điều trị, kéo dài thời gian điều trị, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện cơ quan bảo hiểm đang "nghe ngóng" thông tin từ các cơ sở điều trị. "Có một thực tế là giá thuốc quá rẻ nếu kiểm soát không tốt có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Thời gian qua, trước yêu cầu thúc bách về giá rẻ, một số nhà cung ứng thuốc đã tìm kiếm sản phẩm của các hãng dược không có uy tín, giá thấp để cạnh tranh. Thừa nhận như vậy, tuy nhiên, ông Thảo cho rằng, các cơ sở y tế có thể kiểm soát được vấn đề này bằng cách tìm hiểu nhà sản xuất, nguyên liệu sản xuất thuốc. Nếu kiểm soát tốt từ nguyên liệu sản xuất, ví như thuốc của Trung Quốc nhưng nguyên liệu thuốc nhập từ Châu Âu thì khác với nguyên liệu thuốc do chính họ sản xuất. Nếu làm được như thế thì thuốc kém chất lượng không thể vào bệnh viện.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng giá thuốc giảm là điều rất đáng mừng song quan trọng nhất là giá giảm có ảnh hưởng đến chất lượng không? "Có 2 yếu tố dẫn đến việc giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm. Thứ nhất là hướng dẫn đấu thầu thuốc theo quy định mới đã chú trọng việc chọn những mặt hàng thuốc mà trong nước có thể sản xuất được với hiệu quả không kém nước ngoài nhưng giá rẻ hơn nhiều; thứ hai là các BV có cơ chế đấu thầu để sàng lọc các nhà sản xuất. Chẳng hạn, ở tỉnh Quảng Ninh, trước đây đa số thuốc ngoại nhập trúng thầu vào các BV có nguồn gốc từ Ấn Độ, Hàn Quốc, giờ chuyển sang thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia… đương nhiên giá thuốc rẻ hơn" - PGS Lê Văn Truyền phân tích.

Cùng quan điểm này, một lãnh đạo BV ở Hà Nội cho biết, với lợi thế giá rẻ, thuốc của các nước Châu Á sẽ có nhiều cơ hội trúng thầu vào BV. Còn theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai), có những loại thuốc động kinh của Ấn Độ, giá chỉ 4.000 đồng/viên trong khi thuốc của Anh tới 14.000 đồng/viên. Nhưng theo nhiều thầy thuốc, thực tế lâm sàng cho thấy thuốc giá rẻ rất ít tác dụng. Có thể bệnh nhân được lợi là chi phí tiền thuốc tại thời điểm đó giảm hơn nhưng thời gian điều trị lại kéo dài thì tính chung cả quá trình điều trị, chưa chắc chi phí cho tiền thuốc đã ít đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu thầu thuốc vào bệnh viện: Giá giảm, chất lượng có giảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.