(HNM) - Việc thực hiện đấu thầu đối với 68 tuyến buýt theo hình thức trợ giá cung cấp dịch vụ cho năm 2020 nhằm tạo môi trường bình đẳng, thu hút nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, qua đó từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm hiệu quả nguồn vốn thành phố đã đầu tư. Đó là khẳng định của ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) với phóng viên Báo Hànộimới.
- Nhiều năm qua, thành phố chủ yếu thực hiện đặt hàng dịch vụ xe buýt đối với các tuyến trợ giá, vì sao nay lại chuyển sang hình thức đấu thầu, thưa ông?
- Việc tổ chức đấu thầu đối với 68 tuyến buýt theo hình thức trợ giá cung cấp dịch vụ cho năm 2020 (năm 2019 thực hiện theo hình thức đặt hàng) nhằm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Theo nghị định này, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một trong những dịch vụ công ích phải tổ chức đấu thầu. Riêng tuyến buýt nhanh BRT và 7 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) là các tuyến buýt có tính chất đặc thù hiện chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện, nên thành phố vẫn thực hiện theo hình thức đặt hàng.
- Ông có thể cho biết tiêu chí đặt ra đối với các đơn vị tham gia đấu thầu như thế nào để vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, vừa cung cấp dịch vụ tốt nhất?
- Tiêu chí đặt ra đối với các đơn vị tham gia đấu thầu là phải bảo đảm theo các quy định chung của Luật Đấu thầu; quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Ngoài ra còn phải bảo đảm yêu cầu dịch vụ riêng của xe buýt Hà Nội, như cam kết thay thế xe cũ, chuyển dần sang sử dụng xe buýt chạy điện theo lộ trình; sẵn sàng tích hợp vào hệ thống quản lý của thành phố và tham gia đóng góp nhằm duy trì, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho các tuyến buýt…
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 68 tuyến buýt đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 12-2019. Tổng cộng có 7 đơn vị tham gia dự thầu, đều là các đơn vị đang tham gia cung ứng dịch vụ xe buýt trên địa bàn thành phố nên bảo đảm các yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
Qua đấu thầu, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) trúng thầu nhiều nhất với 53 tuyến. Tiếp đến là Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội với 8 tuyến. 7 tuyến còn lại thuộc về Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ xây dựng Bảo Yến và Công ty TNHH Bắc Hà. Các gói thầu này sẽ được các đơn vị trúng thầu thực hiện ngay sau khi hết dịch Covid-19.
- Xin ông đánh giá về những ưu điểm của hình thức đấu thầu so với đặt hàng?
- Hình thức đấu thầu tạo môi trường bình đẳng, thu hút nhiều doanh nghiệp vận tải có đủ năng lực tham gia, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa là 5 năm nên sẽ tạo ra tính ổn định hơn.
Đặc biệt, hình thức đấu thầu sẽ giúp thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Cụ thể, thông qua việc tổ chức đấu thầu 68 tuyến đã thay mới được 139 phương tiện (thay thế toàn bộ các xe hoạt động trên 10 năm) với tổng chi phí đầu tư phương tiện hơn 408 tỷ đồng. Các phương tiện đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4, được trang bị thêm các tiện ích trên xe.
- Việc đấu thầu liệu có làm xáo trộn mạng lưới xe buýt Thủ đô vốn đang vận hành ổn định, thưa ông?
- Tôi cho rằng việc đấu thầu không làm xáo trộn mạng lưới xe buýt Thủ đô cũng như ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các đơn vị trúng thầu đều là các đơn vị đang hoạt động cung cấp dịch vụ xe buýt trên địa bàn. Khi tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp cơ bản đều được hưởng cơ chế chung của thành phố cũng như khi đặt hàng (cơ chế trợ giá). Ngoài ra, như tôi đã nói, thời gian thực hiện hình thức đấu thầu tối đa là 5 năm nên sẽ tạo ra tính ổn định, khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Hiện đang có những lo ngại là sau khi trúng thầu, doanh nghiệp có thể cắt giảm lượt chuyến, thậm chí xin bỏ tuyến nếu vắng khách và thua lỗ. Trung tâm có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?
- Việc tự ý cắt giảm lượt chuyến, bỏ tuyến đối với các tuyến buýt đang được trợ giá (bao gồm cả các tuyến đặt hàng và đấu thầu) là chưa có tiền lệ tại Hà Nội và không được phép. Trong quá trình thực hiện thầu, các lượt xe, các tuyến buýt đều được giám sát chặt chẽ. Trường hợp doanh nghiệp cố tình cắt giảm lượt chuyến, thậm chí xin bỏ tuyến sẽ bị xử lý theo hợp đồng và các quy định hiện hành.
Đồng thời, trung tâm sẽ thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các tuyến. Trường hợp tuyến buýt có nhu cầu đi lại thấp sẽ được trung tâm tổng hợp, đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội điều chỉnh lộ trình và dịch vụ cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả hoạt động.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.